Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Trung Sơn (TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) mới đây khẳng định họ đã can thiệp vào phôi thai để thay đổi gien gây chứng rối loạn máu chết người.
“Không cần thiết, vô đạo đức”
Được đứng đầu bởi giáo sư Hoàng Quân Tựu, công trình trên xuất hiện trên tạp chí Protein and Cell hôm 18-4 sau khi chuyên san Nature and Science từ chối đăng vì lý do đạo đức.
Có thể được xem là khám phá lớn nhất thế kỷ về công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu cho biết đã dùng kỹ thuật biến đổi gien CRISPR/Cas9 để thay đổi loại gien có khả năng gây rối loạn máu dẫn đến tử vong.
Kỹ thuật CRISPR công bố năm 2012, sử dụng một protein có nguồn gốc vi khuẩn để cắt bỏ một gien đặc biệt, cùng lúc đó thay thế bằng một phân tử khác. Kỹ thuật này đã được giới khoa học các nước nghiên cứu trên tế bào trưởng thành và trên động vật nhưng chưa bao giờ thử nghiệm với phôi thai người.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Hoàng giới thiệu gien mới được cấy ghép thành công ở 28 phôi thai trong tổng số 86 phôi được thử nghiệm. Theo nhóm này, họ sử dụng phôi thai được tạo ra từ thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không có khả năng phát triển.
Ít nhất 4 nhóm nghiên cứu Trung Quốc đang theo đuổi việc thay đổi gien phôi thai người
Ảnh: USAISPA.COM
Giám đốc Trung tâm Theo dõi gien con người (Anh), tiến sĩ David King, nhận xét: “Thông tin này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng phải có một lệnh cấm toàn cầu ngay lập tức về việc tạo ra những đứa trẻ được thiết kế sẵn. Điều quan trọng nhất là không để xảy ra một tương lai mà người giàu có thể “mua” người nối dõi với những lợi thế di truyền”.
Cũng theo ông King, hiện đã có nhiều cách để chữa chứng rối loạn máu. Do đó, nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Trung Quốc có thể được ghi vào lịch sử như một bước tiến của khoa học nhưng hoàn toàn “không cần thiết và vô đạo đức”.
Tranh cãi dữ dội
Một số nhà khoa học khác lo lắng khi công nghệ trên đạt đến mức độ chính xác, nó có thể được sử dụng để tạo ra con người với những đặc tính mong muốn. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng biến đổi gien có thể giúp cha mẹ chủ động biến con cái trở nên đẹp, thông minh, hoàn hảo hơn nhưng vấp phải vấn đề đạo đức và đi ngược lại sự phát triển tự nhiên.
Ông George Daley, nhà sinh học tế bào gốc thuộc Trường Y khoa Harvard (Mỹ), cho rằng đó là phương pháp không an toàn, không nên thực hiện vào lúc này và có lẽ là không bao giờ. “Nghiên cứu là một dấu mốc nhưng cũng là lời cảnh tỉnh với bất cứ ai nghĩ rằng đã sẵn sàng để thử nghiệm việc loại trừ gien mang bệnh”.
Tuy nhiên, những người ủng hộ tin rằng thành công này là khởi đầu cho việc nghiên cứu phương pháp loại bỏ mọi căn bệnh nan y, qua đó giải thoát con người khỏi những căn bệnh di truyền như chứng xơ nang hoặc một số căn bệnh ung thư. Giáo sư Trần Quốc Cường của Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) nói: “Việc biến đổi gien của con người cung cấp giải pháp chữa được nhiều loại bệnh, duy trì sức khỏe, giữ tuổi trẻ, sống lâu. Những điều này sẽ khả thi trong tương lai, giải phóng mọi người khỏi đau khổ”.
Quan điểm trên vấp phải phản ứng vì chưa ai lường trước được hậu quả của việc thay đổi gien đối với các thế hệ sau. Ngay trên tạp chí Protein and Cell, các tác giả thừa nhận việc chỉnh sửa gien đã gây đột biến không lường trước ở một số gien khác. “Tôi nghĩ có thể tiếp tục nghiên cứu nhưng phải giữ bí mật trong phòng thí nghiệm. Biến đổi gien bừa bãi có thể khiến loài người tuyệt chủng” - ông Triệu Thế Dân, nhà sinh vật học của Trường ĐH Phục Đán (Thượng Hải), nói.
Phát biểu “bí mật nghiên cứu” càng gây lo ngại khi một nguồn tin Trung Quốc tiết lộ có ít nhất 4 nhóm nghiên cứu khác đang theo đuổi việc thay đổi gien phôi thai người.
Bình luận (0)