Nguồn tin quân sự và chính phủ Nhật Bản hôm 18-12 cho biết Tokyo đang ra sức củng cố hệ thống phòng thủ và hạ tầng ở các đảo xa trên biển Hoa Đông, nơi nước này và Trung Quốc đang tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Chuyển giao thiết bị quốc phòng
Theo hãng tin Reuters, Tokyo đang tìm cách xâu chuỗi các hệ thống tên lửa chống hạm và chống máy bay dọc 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, trải dài trên phạm vi 1.400 km từ thềm lục địa Nhật Bản tới giáp lãnh thổ Đài Loan.
Một khi chuỗi hệ thống tên lửa này hoàn thành sẽ gây sức ép không nhỏ lên tàu thuyền Trung Quốc đi từ bờ biển phía Đông của họ tới Tây Thái Bình Dương.
Các nhà hoạch định quân sự, chính sách của chính phủ Nhật Bản giải thích bước đi này là một phần chiến lược thống trị trên biển và bầu trời xung quanh các đảo xa của Tokyo, từ đó kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Tây Thái Bình Dương.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Akihisa Nagashima nói thêm rằng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là một yếu tố thúc đẩy Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng thủ từ đảo Hokkaido ở phía Bắc sang chuỗi đảo phía Tây Nam.
Trong khi đó, ông Yosuke Isozaki, từng là cố vấn an ninh cho Thủ tướng Shinzo Abe, nói thêm Nhật Bản muốn gia tăng sức mạnh hàng hải và hàng không quân sự để tương xứng với đồng minh Mỹ.
Ông Toshi Yoshihara, giáo sư tại Trường ĐH Chiến tranh Hải quân (Mỹ), nhận định Tokyo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhất là ở biển Đông. Để hỗ trợ mục tiêu này, quân đội Nhật Bản lần đầu tiên huy động ngân sách hơn 5.000 tỉ yen (40 tỉ USD) cho tài khóa tiếp theo.
Ngoài ra, số lượng nhân viên quân sự Nhật Bản trên các đảo ở biển Hoa Đông sẽ tăng lên khoảng 10.000 người trong vòng 5 năm tới. Họ sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm tàng hình, máy bay chiến đấu F-35, phương tiện chiến đấu đổ bộ, tàu sân bay... và nhất là Hạm đội 7 của Mỹ, đóng tại TP Yokosuka.
Song song đó, Tokyo còn tăng cường bắt tay với các nước trong khu vực để làm đối trọng với Bắc Kinh. Mới nhất, Nhật Bản và Indonesia hôm 17-12 nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và bắt đầu thảo luận về vấn đề chuyển giao thiết bị quốc phòng. Ngoài ra, hai nước còn nhất trí rằng vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Trong khi đó, phát biểu khi đến thăm Nhật Bản hôm 18-12, Thủ tướng Úc Malcom Turnbull nhấn mạnh máy bay nước này sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông.
Nâng cấp tên lửa
Không chịu thua kém đồng minh, Hải quân Mỹ đang xúc tiến việc mua các loại tên lửa chống hạm mới, đồng thời xem xét lại toàn bộ chiến lược quân sự ở Thái Bình Dương để đối phó sức mạnh của Hải quân Trung Quốc.
Kể từ sau chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ hầu như không đối mặt mối đe dọa đáng kể nào. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh thông qua việc chi hàng chục tỉ USD mỗi năm để đóng hàng chục tàu chiến đủ kích cỡ và một kho tên lửa đáng nể.
Đối mặt thách thức này, Lầu Năm Góc đã lên phương án cải tiến các loại tên lửa sẵn có nhưng đang dùng cho mục đích khác thành tên lửa chống hạm. Ứng viên đầu tiên là tên lửa hành trình Tomahawk - trước giờ chỉ tấn công các mục tiêu cố định trên đất liền.
Hải quân Mỹ còn thúc đẩy trang bị cho tàu ngầm và tàu nổi những loại tên lửa chống hạm uy lực hơn, tầm bắn xa hơn. Chẳng hạn như hồi tháng 1-2015, các chuyên gia Mỹ đã thử nghiệm thành công loại tên lửa Tomahawk cải biến có thể bắn trúng cả mục tiêu di động trên biển.
Bên cạnh đó, Washington hiện cân nhắc đưa máy bay chiến đấu và những vũ khí khác đến nhiều căn cứ không quân nằm rải rác khắp Thái Bình Dương, thay vì tập trung trên tàu sân bay hoặc một số căn cứ lớn ở Nhật Bản hoặc đảo Guam vốn có nguy cơ nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Kinh.
Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), quân đội Mỹ đang xem xét kế hoạch xây thêm cơ sở trên những hòn đảo hẻo lánh để phục vụ chiến lược mới nói trên. Ngoài ra, Washington còn hy vọng tiếp cận một số căn cứ không quân tại Philippines theo một thỏa thuận hợp tác quốc phòng ký vào năm ngoái.
Trong lúc chờ Tòa án Hiến pháp xem xét thỏa thuận này, quốc hội Philippines hôm 17-12 thông qua ngân sách quốc gia 2016, trong đó có khoản tiền kỷ lục 528,3 triệu USD để mua thêm tàu khu trục, máy bay trinh sát và radar để cải thiện năng lực bảo vệ lãnh hải.
Bình luận (0)