Tình hình biển Đông và bán đảo Triều Tiên là 2 nội dung đứng đầu chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh trong ngày 27-1.
Bắc Kinh lớn tiếng
Thái độ của giới chức 2 nước trước thềm cuộc gặp báo hiệu quan hệ Trung - Mỹ vẫn không ít sóng gió. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 26-1 chỉ trích những phát biểu “vô trách nhiệm” và “không mang tính xây dựng” của một quan chức Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo quan chức Mỹ, Bắc Kinh với vai trò đồng minh hàng đầu của Bình Nhưỡng có thể làm nhiều hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của láng giềng này, trong đó có việc sử dụng “lá bài” kinh tế. Ông Kerry cũng cho biết sẽ sử dụng chuyến thăm để thúc giục Trung Quốc bắt tay Mỹ đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch hôm 6-1.
Bầu không khí của các cuộc gặp có thể thêm căng thẳng bởi ông Kerry có ý định nhắc lại lo ngại của Mỹ về những hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông. Đáng chú ý, Bắc Kinh vào đầu tháng này tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế khi đơn phương bay thử nghiệm ra đường băng mà nước này xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phát biểu trong chuyến thăm Lào hôm 25-1, ông Kerry cho biết nước chủ nhà ủng hộ lập trường của Mỹ về tôn trọng quyền tự do hàng hải và tránh quân sự hóa biển Đông.
Tuy nhiên, khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Campuchia một ngày sau đó, ông Kerry không thuyết phục được Phnom Penh có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề này. Trong khi đó, bà Hoa Xuân Oánh cũng lớn tiếng nhắc Mỹ “nên đóng vai trò xây dựng đối với hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, thay vì gieo rắc bất hòa”.
Thách thức từ Úc
Trái với quan điểm của Campuchia, chính phủ của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đang cân nhắc tiến hành diễn tập tự do hàng hải ở biển Đông. Báo The Australian hôm 26-1 cho biết kế hoạch trên là một phần nội dung thảo luận trong chuyến thăm Washington mới đây của ông Turnbull.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Úc còn đề cập tình hình biển Đông khi gặp Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, tại Hawaii. Cũng theo tờ báo, Mỹ và một số nước Đông Nam Á ủng hộ Úc tiến hành diễn tập tự do hàng hải riêng rẽ. Không những thế, phía Nhật Bản đã đề nghị tham gia một cuộc diễn tập như thế cùng các tàu hải quân Mỹ.
Úc chưa có quyết định chính thức về kế hoạch trên. Trước mắt, không quân nước này sẽ cùng Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc và New Zealand tập trận quy mô lớn Cope North tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam từ ngày 10 đến 27-2. Theo báo Stars and Stripes (Mỹ), Philippines thông báo lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận này nhằm cải thiện năng lực không quân. Trước đó vài tuần, Manila cho biết sẽ đề nghị lực lượng Mỹ sử dụng 8 căn cứ ở nước này.
Không những thế, chính quyền Tổng thống Benigno Aquino có thể tìm kiếm hỗ trợ quân sự từ Tokyo khi Nhật hoàng Akihito thăm Philippines trong 4 ngày, bắt đầu từ hôm 26-1. Nhật Bản từng chiếm đóng Philippines trong Thế chiến II nhưng quan hệ 2 nước đã cải thiện mạnh mẽ.
Theo AP, Tokyo trở thành nước viện trợ hàng đầu của Manila trong lúc quan hệ quốc phòng song phương ngày càng phát triển. Hai nước đang thương thảo về thỏa thuận cho phép Nhật cung cấp thiết bị quân sự cho Philippines. Ngoài ra, hai bên còn nghiên cứu khả năng ký kết Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) để Nhật Bản có thể đóng quân tại Philippines, phục vụ mục đích huấn luyện…
Bình luận (0)