Sau khi nhiều loại thực phẩm tăng giá những tháng gần đây, từ lúa mì, các ngũ cốc khác cho đến thịt, dầu ăn…, nay đến lượt gạo.
Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy giá các loại thực phẩm cao hơn 75% so với trước đại dịch Covid-19, theo ông Frederique Carrier, Giám đốc điều hành Công ty RBC Wealth Management. Trong đó, giá gạo quốc tế đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp và chạm mốc cao nhất trong 12 tháng qua, theo dữ liệu mới nhất (tháng 5) vừa công bố tuần trước.
Giới chuyên gia trấn an sản xuất gạo vẫn rất ổn định, song họ e ngại giá phân bón và năng lượng leo thang sẽ có tác động tiêu cực đến giá gạo, từ đó dẫn đến nhiều hành động bảo hộ hơn. Ông Carrier chỉ ra khoảng 1/3 chi phí sản xuất thực phẩm liên quan tới năng lượng.
"Hiện thời, tôi rất lo là Ấn Độ sẽ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trong những tuần tới" - ông David Laborde, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế, nói với kênh CNBC. Trước đó, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì, đường.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn phân nửa toàn cầu, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới. Việt Nam và Thái Lan lần lượt xếp thứ 5 và 6. Bốn nhà xuất khẩu cho Reuters hay các nhà buôn gạo đã tăng cường mua gạo của Ấn Độ trong 2 tuần gần đây.
Giá gạo tăng là tin mừng cho nông dân song sẽ ảnh hưởng nặng nề đến rất nhiều cư dân ở châu Á - ông Nafees Meah, đại diện khu vực Nam Á tại Viện Nghiên cứu gạo quốc tế, nhấn mạnh.
Nhiều tài xế xe tải đình công trước kho chứa container nội địa ở Uiwang của Hàn Quốc hôm 13-6 Ảnh: REUTERS
Bảo đảm an ninh lương thực cũng là một nội dung quan trọng khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bắt đầu kỳ họp quan trọng nhất của họ trong 4 năm rưỡi qua, hôm 12-6. Theo AP, hơn 120 bộ trưởng đến từ 164 thành viên sẽ cân nhắc việc dỡ bỏ hoặc giảm bớt các hạn chế xuất khẩu liên quan tới thực phẩm để hỗ trợ các nước đang chịu thiệt hại.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol hôm 13-6 đã chỉ đạo các cố vấn hàng đầu tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt chi phí sinh hoạt giữa lúc lạm phát của nước này chạm mốc 4,8% - cao nhất trong 24 năm qua. Theo trang tin địa phương News1, ông Yoon cũng yêu cầu tìm cách giảm bớt thiệt hại do cuộc đình công của giới tài xế xe tải gây ra.
Hiện đã bước vào ngày thứ 7, cuộc đình công nói trên làm tê liệt hàng loạt cảng và kho hàng ở đất nước vốn là nguồn cung cấp lớn đối với xe hơi, pin, chất bán dẫn, điện thoại thông minh và hàng điện tử.
Theo ước tính đầu tiên của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc hôm 13-6, các ngành xe hơi, thép, hóa dầu và xi-măng nước này đã thiệt hại hơn 1,2 tỉ USD do bị gián đoạn sản xuất và không thể hoàn tất giao hàng. Reuters cho biết quân đội Hàn Quốc đã điều hành khoảng 100 xe tải để chở container vào/ra các cảng lớn, bao gồm Busan, nhằm giải phóng bớt chỗ để hàng.
Nghiệp đoàn Đoàn kết tài xế xe tải chở hàng yêu cầu gia hạn các phụ cấp mang tên "Cước vận tải an toàn" - áp dụng từ năm 2020 và hết hạn năm nay, qua đó bảo đảm mức lương tối thiểu cho tài xế.
Đã có 4 vòng đàm phán giữa nghiệp đoàn này và chính phủ Hàn Quốc nhưng vẫn chưa đi đến thỏa hiệp. Bộ Giao thông Hàn Quốc ước tính 6.600 thành viên nghiệp đoàn trên, tức khoảng 30%, đang tham gia đình công.
Nhiều tài xế không thuộc nghiệp đoàn này, như ông Kang Myung-gil, cũng đình công để yêu cầu điều kiện sống tốt hơn. Năm nay 50 tuổi, người cha 3 con than thở ông làm việc 15 giờ/ngày và kiếm được khoảng 2.300 USD/tháng trong khi từ tháng 4, số tiền ông trả để mua nhiên liệu tăng vọt lên khoảng 1.000 USD/tháng.
Theo Reuters, giá dầu diesel ở Hàn Quốc hồi tháng 5 vừa qua là 1.960 won/lít, tăng 46% so với giá 1.340 won/lít của một năm trước.
Chứng khoán và giá dầu suy giảm
Chứng khoán châu Á hôm 13-6 chứng kiến đà sụt giảm trước lo ngại Mỹ tăng lãi suất mạnh hơn nữa để kiềm chế lạm phát cùng với việc xét nghiệm hàng loạt ở Trung Quốc dẫn đến nguy cơ nối lại phong tỏa.
Theo Reuters, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) giảm 2,66% trong khi các chỉ số quan trọng khác trên các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt giảm điểm. Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Tập đoàn OANDA (Mỹ), nhận định: "Đây là ngày thứ hai đen tối ở châu Á".
Thị trường châu Á sụt giảm mạnh sau công bố cuối tuần qua về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng kỷ lục là 8,6% vào tháng trước.
Báo cáo này làm tiêu tan hy vọng rằng lạm phát đã đạt đỉnh và thị trường thận trọng hơn trước kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách trong thời gian dài và gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Phần lớn giới quan sát cho rằng FED sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm hơn là 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 15-6.
Giá dầu cũng giảm hôm 13-6 khi sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở Bắc Kinh đã dập tắt hy vọng về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc tăng nhanh, cùng với sự lo lắng về lạm phát toàn cầu và tăng trưởng kinh tế chậm. Giá dầu Brent trong phiên giao dịch hôm 13-6 (giờ địa phương) có lúc giảm 1,7%, còn 119,95 USD/thùng trong khi dầu thô WTI giảm 1,8%, còn 118,54 USD/thùng.
Giá dầu sụt giảm sau khi các quan chức Trung Quốc hôm 12-6 cảnh báo về sự lây lan mạnh của dịch Covid-19 ở thủ đô và công bố kế hoạch xét nghiệm hàng loạt cho đến ngày 15-6. Ông Tamas Varga thuộc Công ty Môi giới dầu PVM (Anh) cho biết: "Tình trạng hiện nay gây nghi ngờ về khả năng phục hồi nhu cầu dầu ngay lập tức".
Xuân Mai
Bình luận (0)