Theo số liệu của Trường ĐH John Hopkins của Mỹ, Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới với 738.000 người nhiễm, trong đó có 39.000 người tử vong tính đến hết ngày 19-4. Tiếp ngay sau là các nước châu Âu: Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Anh. Cho đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 20.000 người chết trong tổng số hơn 194.000 người nhiễm.
Trang Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói trong cuộc họp báo được truyền hình rằng ông sẽ yêu cầu Quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày nữa, cho đến ngày 9-5. Tuy nhiên, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng một phần nhằm cho phép trẻ em có thời gian ra ngoài, bắt đầu từ ngày 27-4. Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha đang khiến trẻ em phải ở nhà nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác tại châu Âu. Do đó, nhiều chuyên gia cảnh báo trẻ em nước này đang đối mặt với căng thẳng vì các biện pháp hạn chế.
Tây Ban Nha sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 9-5. Ảnh: Reuters
Các nhà kinh tế cho rằng Covid-19 đe dọa đẩy kinh tế châu Âu rơi vào ngưỡng suy thoái sâu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ suy giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Theo Reuters, Giám đốc chương trình ổn định châu Âu Klaus Regling ngày 19-4 cho biết châu Âu sẽ cần thêm ít nhất 500 tỉ euro nữa từ các định chế tài chính Liên hiệp châu Âu (EU) để phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Đầu tháng 4, các bộ trưởng tài chính của châu Âu đã đồng ý chi 540 tỉ euro nhằm giúp các công ty và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Dù vậy, các bộ trưởng có ý kiến khác nhau về việc cần bao nhiêu và lấy nguồn ở đâu. Các lãnh đạo EU dự kiến bàn thảo về vấn đề trên vào ngày 23-4. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành vay tiền trên thị trường hơn là dùng ngân sách dài hạn của EU.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump công khai ủng hộ các cuộc tuần hành của phe cánh hữu về các hạn chế cách ly xã hội ở các bang, không lâu sau khi công bố kế hoạch 3 giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế. Ngày 18-4, hàng trăm người đã tham gia các cuộc xuống đường phản đối kéo dài lệnh cách ly xã hội ở Mỹ. Tại bang New Hampshire, khoảng 400 người tụ tập dưới mưa lạnh và yêu cầu dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội với lý do bang này không có quá nhiều người nhiễm Covid-19. Ở Texas, hơn 250 người tập trung bên ngoài tòa nhà nghị viện của bang này, yêu cầu đã tới lúc nên cho phép người dân được tự do đi lại.
Phản đối chống gia hạn cách ly xã hội cũng được ghi nhận tại các thành phố như Columbus (Ohio), San Diego (California), các bang Indiana, Nevada và Wisconsin. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nới lỏng các biện pháp quá nhanh có thể gây nên thảm họa.
Bình luận (0)