Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) buộc Ý trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 10-3 đến 3-4.
Trong khoảng thời gian nói trên, hoạt động đi lại bị hạn chế trong lúc tụ tập đông người bị cấm. Ngoài ra, đám cưới và tang lễ không được phép diễn ra trong lúc các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 18 giờ. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng kêu gọi người dân ở nhà sau khi ít nhất 463 người tử vong và 9.172 người nhiễm bệnh.
Thông tin tích cực hiếm hoi từ cuộc chiến chống dịch của nước Ý là ca mắc Covid-19 đầu tiên của nước này (một bệnh nhân 38 tuổi cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2, hôm 21-2) đã được đưa ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt vào ngày 9-3.
Cảnh vắng vẻ tại Quảng trường St. Peter ở thủ đô Rome - Ý khi lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu được thực thi hôm 10-3 Ảnh: Reuters
Quyết liệt không kém, chính phủ Tây Ban Nha hôm 9-3 quyết định đóng cửa tất cả trường học ở thủ đô Madrid nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 sau khi số ca nhiễm tăng gần gấp đôi chỉ sau một ngày.
Theo hãng tin Bloomberg, số ca nhiễm mới tăng vọt từ 589 hôm 8-3 lên 1.204 một ngày sau đó, tập trung ở thủ đô Madrid và vùng Basque. Riêng tại Madrid, số ca nhiễm tăng thêm khoảng 200 ca trong 24 giờ với 28 người chết, cao hơn so với 8 trường hợp tử vong được ghi nhận hôm 8-3. Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết chính phủ nước này cũng khuyến nghị các công ty ở những khu vực này cho nhân viên làm việc từ xa và áp dụng giờ làm việc linh hoạt.
Nỗi lo về dịch Covid-19 cũng gia tăng ở Pháp sau khi Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester nhiễm SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết hiện sức khỏe của ông Riester đã ổn định và nghỉ ngơi tại nhà.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Pháp hôm 9-3 cho biết 5 nghị sĩ Pháp trước đó cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Một nhân viên phục vụ tại nhà ăn ở trụ sở Quốc hội Pháp đã mắc Covid-19 và đây bị xem là nguồn lây nhiễm cho các nghị sĩ nói trên. Sau đó, Bộ trưởng Riester có thể đã lây bệnh từ 1 trong 5 nghị sĩ đó. Pháp hiện ghi nhận ít nhất 1.412 ca nhiễm và 30 trường hợp tử vong.
Ngày 9-3 cũng đánh dấu toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU đều có ca Covid-19 sau khi Cyprus thông báo 2 ca đầu tiên. Hai trường hợp này là 1 người vừa du lịch đến miền Bắc Ý và một chuyên gia y tế vừa trở về từ Anh.
Trong khi đó, giới chức y tế Anh hôm 10-3 cảnh báo hàng ngàn người nước này có nguy cơ mắc Covid-19, giống như những gì xảy ra tại một số nước khác. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Anh ghi nhận ca tử vong thứ 5 vì Covid-19 và tổng ca nhiễm tại nước này tăng lên ít nhất 319.
Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp
Nội các Nhật Bản hôm 10-3 thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch bệnh Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh, tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế nước này.
Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh có thể chỉ thị người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn. Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương có thể tạm thời sung công đất đai và các cơ sở của tư nhân để xây dựng cơ sở y tế chữa trị cho các bệnh nhân.
Theo hãng tin Kyodo, dự luật trên sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại hạ viện ngày 12-3 và thượng viện ngày 13-3. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm ở Nhật Bản là hơn 1.100, trong đó có 700 ca trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở TP Yokohama.
Trong khi đó, nước láng giềng Hàn Quốc thông báo 131 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận hôm 9-3, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Dù vậy, theo hãng tin Yonhap, 46 nhân viên một trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại ở thủ đô Seoul và 4 người thân của họ mắc Covid-19, dẫn đến nỗi lo về nguy cơ lây lan trên diện rộng ở thành phố có khoảng 10 triệu dân này.
Trung Quốc tiếp tục công bố những thông tin tích cực liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận hôm 9-3 là 19, giảm so với con số 40 một ngày trước đó. Trong số này, 17 ca ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và là tâm điểm dịch bệnh. Hai ca còn lại là người đến từ nước ngoài. Với sự sụt giảm nói trên, 12/14 bệnh viện dã chiến ở TP Vũ Hán đã đóng cửa và 2 bệnh viện dã chiến còn lại cũng chấm dứt hoạt động hôm 10-3.
Hoàng Phương
Bình luận (0)