Trên danh nghĩa, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria đã bị xóa sổ từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, thực tế là tàn dư của lực lượng Hồi giáo cực đoan ấy vẫn tấn công ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra mối đe dọa an ninh thường trực nhằm vào Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh của họ.
Cuộc xung đột đang diễn ra giữa lực lượng Hamas và Israel ở Trung Đông gây ra nhiều hệ lụy đối với chính trị - an ninh khu vực và thế giới cũng như quan hệ quốc tế, trong đó càng khiến EU thêm quan ngại sâu sắc về nguy cơ an ninh.
Trong cuộc xung khắc giữa Hamas và Israel, việc các nước phương Tây ủng hộ Israel góp phần kích động những lực lượng Hồi giáo cực đoan gia tăng tấn công nhằm vào các quốc gia phương Tây cũng như người Do Thái ở bên ngoài Israel, đặc biệt tại châu Âu. Hai bằng chứng mới đây nhất là vụ tấn công bằng dao ở Pháp và vụ xả súng ở Bỉ.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tưởng niệm 2 nạn nhân nước này bị bắn chết ở Brussels - Bỉ hôm 18-10 Ảnh: REUTERS
Sau khi bị đánh sụp ở Syria và Iraq, tàn dư của IS tản mát khắp thế giới, tiếp tục đối kháng các quốc gia phương Tây bằng nhiều hình thức và với những quy mô khác nhau.
Những cuộc đảo chính quân sự thời gian qua ở Mali, Burkina Faso, Niger, Gabon đã chỉ ra bằng chứng về việc các nước phương Tây thất bại với chiến lược, biện pháp đối phó những tổ chức và phần tử Hồi giáo cực đoan, trong đó có IS, ở châu Phi.
Có 4 nguyên nhân chính khiến EU hiện sa vào tình trạng lo dồn, ngại gộp.
Thứ nhất, cuộc cọ xát và đối đầu về ý thức hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo tiếp tục dai dẳng, ngày càng quyết liệt chứ không suy giảm trong hơn 20 năm qua. Chừng nào chưa hóa giải dứt điểm cuộc đối kháng này, chừng đó EU vẫn còn phải lo ngại về thách thức an ninh đến từ các tổ chức, lực lượng và phần tử Hồi giáo cực đoan.
Thứ hai, ở một số quốc gia thành viên EU gần đây tiếp tục có các biện pháp, chính sách phân biệt đối xử và kỳ thị người theo đạo Hồi; không ngăn chặn triệt để, nếu không muốn nói là dung túng dưới biện luận về quyền tự do ngôn luận, đối với cá nhân có hành động xúc phạm và phỉ báng đạo Hồi.
Tình trạng này đã bị các lực lượng, tổ chức và phần tử Hồi giáo cực đoan lợi dụng để kích động làn sóng tấn công, khủng bố bạo lực nhằm vào nhiều quốc gia phương Tây.
Thứ ba, EU cho đến nay vẫn chưa xử lý ổn thỏa, lâu bền cuộc khủng hoảng về tị nạn và di cư. EU chưa thể cải tổ kịp thời chính sách về vấn đề này do không có được sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ và phối hợp hành động.
Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết để sàng lọc các phần tử khủng bố trong dòng người di cư và xin tị nạn ở EU cũng không khá hơn. Chưa vá được lỗ hổng an ninh này thì EU chưa thể đối phó hiệu quả các mối đe dọa ở thời điểm hiện tại cũng như về lâu dài.
Thứ tư, nếu thế giới còn chiến tranh và xung đột ở đâu đó thì EU còn phải đứng ngồi không yên về an ninh, đặc biệt khi đấy lại là xung đột ở chính châu Âu và giữa Israel với một lực lượng Hồi giáo.
Thông điệp đoàn kết
Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và EU đã kết thúc trong ngày 20-10 (giờ Mỹ) với thông điệp đoàn kết.
Đón chào Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cam đoan Mỹ sẽ vẫn viện trợ cho Ukraine và Israel, bất chấp những trở ngại chính trị nội bộ. Thông cáo chung cũng khẳng định Mỹ và EU lo ngại trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
Trở về sau chuyến thăm Israel chớp nhoáng, Tổng thống Joe Biden hôm 19-10 kêu gọi người dân Mỹ ủng hộ kế hoạch viện trợ tổng cộng 106 tỉ USD, bao gồm viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel.
Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc quốc hội Mỹ có phê duyệt ngân sách hay không và nhiệm vụ càng khó khăn hơn khi Hạ viện Mỹ vẫn chưa bầu được chủ tịch mới sau hơn 2 tuần tê liệt. Không chỉ vậy, ngân sách tạm thời dành cho chính phủ Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 17-11 tới, khiến kịch bản chính phủ đóng cửa một phần lại treo lơ lửng.
Bên cạnh chuyện viện trợ, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU còn tìm cách ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu và xử lý cuộc cạnh tranh kinh tế giữa đôi bên lẫn với Trung Quốc, qua đó nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - EU.
Theo hãng tin AP, Mỹ và EU cần dàn xếp các tranh chấp thương mại, bao gồm vấn đề thép nhập khẩu từ châu Âu (vốn bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan vào năm 2018). Tuy thuế này đã bị đình chỉ dưới thời ông Biden nhưng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước khi lệnh đình chỉ hết hạn vào cuối năm nay, chúng có thể được kích hoạt trở lại.
Châu Âu cũng lo ngại các biện pháp trợ cấp mà Mỹ dành cho công nghệ năng lượng sạch sẽ khiến các công ty châu Âu không cạnh tranh nổi.
Hải Ngọc
Bình luận (0)