Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các nhà phân tích và một nguồn tin ngoại giao cho biết như trên.
Hôm 18-3, đề cập tới vai trò của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một thành viên Viện Hudson (Mỹ)- bà Liselotte Odgaard nói rằng EU đã bắt đầu tạo được dấu ấn của mình trong khu vực.
Ngoài ra, bà Odgaard cho biết EU sẽ có đường lối chính sách chung ủng hộ tự do hàng hải bên cạnh việc phản đối các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông.
"Một số quốc gia đã gửi nhân viên tham gia cùng với các tàu của Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi tuân thủ quy tắc quốc tế về tự do hàng hải (ở biển Đông) của EU" – bà Odgaard nói.
Trong năm nay, Đan Mạch dự kiến điều một tàu khu trục, trong khi Pháp triển khai một nhóm tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hai tàu USS McCampbell và HMS Argyll tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Anh ở biển Đông hồi tháng 1. Ảnh: Reuters
Bà Odgaard gợi ý một số quốc gia EU nên tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản. Ngoài ra, các thành viên EU có thể đẩy mạnh hoạt động của hải quân ở biển Đông.
Anh đang lên kế hoạch điều một trong những tàu sân bay của nước này tới Thái Bình Dương, đồng thời xem xét thành lập một loạt căn cứ mới tại khu vực. London cũng đang cân nhắc chính thức hóa chính sách chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Về phía Pháp, nước này đã thảo luận về khả năng tổ chức tập trận với quân đội Nhật Bản.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hà Lan thông báo sẽ gửi một tàu chiến tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong đợt triển khai đầu tiên ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2021.
Người đứng đầu các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson, Patrick Cronin, kêu gọi châu Âu tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để buộc Trung Quốc tuân thủ quy tắc quốc tế về tự do hàng hải.
Theo SCMP, đã xuất hiện những lo ngại ngày càng tăng ở châu Âu về những thách thức mà Bắc Kinh - vốn bị cáo buộc không chơi theo luật quốc tế - gây ra đối với các lĩnh vực kinh tế và an ninh của EU.
Trong một tài liệu của EU được công bố vào tuần trước, lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh kinh tế. Tài liệu trình bày 10 đề xuất nhằm thiết lập mối quan hệ công bằng với Trung Quốc cũng như củng cố sự thống nhất của EU để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Hôm 18-3, tại cuộc họp an ninh với các bộ trưởng EU ở Brussels – Bỉ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước ông và EU tồn tại những khác biệt về một số vấn đề nhưng hợp tác là vấn đề chính trong quan hệ giữa hai bên.
Không chỉ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, châu Âu còn đẩy mạnh việc hạn chế Bắc Kinh tiếp cận các dự án công cộng lớn, từ đường sắt đến viễn thông.
Nhiều nước EU ngày càng thất vọng bởi các doanh nghiệp của họ bị loại khỏi các dự án của Trung Quốc như mạng lưới đường sắt cao tốc 10.000 km và các cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic năm 2008, trong khi EU mở cửa thị trường nội địa cho các nhà thầu Trung Quốc đấu thầu.
Tháng 12 năm ngoái, một nhóm bộ trưởng từ 18 quốc gia EU - bao gồm 4 ông lớn của khu vực đồng euro là Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha - tuyên bố họ sẽ thảo luận về đề xuất có đi có lại nhằm bảo vệ quyền tự trị chiến lược của EU.
Bình luận (0)