Phát biểu từ Điện Élysée, Tổng thống Emmanuel Macron hôm 12-3 công bố một loạt các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế và các hộ gia đình ở Pháp. Ông Macron cho hay với ít nhất 2.876 trường hợp nhiễm và 61 người chết vì Covid-19, Pháp đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua.
Các trường học ở Pháp được yêu cầu đóng cửa vô thời hạn cho đến khi có thông báo mới trong khi những người trên 70 tuổi được khuyến cáo ở nhà. Các chủ doanh nghiệp cũng được khuyến cáo cho phép người lao động làm việc tại nhà. Ông Macron cho biết châu Âu cần phải phản ứng "nhanh và mạnh" để khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch.
Tham gia nỗ lực chung chống dịch Covid-19 khi số ca nhiễm trên toàn cầu vượt hơn 134.473 và số ca tử vong hơn 4.965, giới chức Bỉ ra lệnh hủy các hoạt động giải trí, nhà hàng, quán bar. Các cửa hàng có thể mở cửa trong tuần nhưng phải đóng vào cuối tuần, ngoại trừ nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi. Người dân được khuyến khích làm việc tại nhà và tránh tụ tập nơi đông người. Bỉ đã ghi nhận ít nhất 399 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong.
Tại Đức, chính phủ nước này đã tăng cường kiểm soát biên giới kể từ hôm 10-3. Cơ quan Giám sát và Kiểm soát dịch bệnh của Đức, Viện Robert Koch xem Ý, Iran, Hàn Quốc và tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc là những khu vực có rủi ro lây nhiễm cao, đồng thời khuyến cáo công dân tránh đến những nơi này. Chính phủ Đức cũng thông qua gói hỗ trợ tài chính mới cho các doanh nghiệp trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên đến 2.369 và số trường hợp tử vong được ghi nhận là 6.
Một trường mẫu giáo ở thủ đô Berlin - Đức vắng bóng học sinh hôm 13-3 khi nước này có kế hoạch đóng cửa trường học vào tuần tới Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tây Ban Nha, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu Âu với 3.004 trường hợp nhiễm và 84 ca tử vong, đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đầu tiên từ hôm 12-3, trong đó cách ly vô thời hạn đối với 4 thị trấn gần TP Barcelona. Chính phủ cũng công bố kế hoạch bơm 14 tỉ euro vào nền kinh tế và các trường học trên cả nước được yêu cầu đóng cửa trong ít nhất 2 tuần.
Không nằm ngoài cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Âu, chính phủ Anh công bố nhiều biện pháp mới để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong đó khuyến cáo những ai có triệu chứng nên ở nhà ít nhất 7 ngày. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 12-3 gọi dịch Covid-19 là "cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế hệ" khi nước này ghi nhận ít nhất 590 ca nhiễm và 10 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, cố vấn khoa học hàng đầu chính phủ Anh Patrick Vallance hôm 12-3 cho rằng có khả năng khoảng 5.000 đến 10.000 người đã nhiễm SARS-CoV-2. Theo ông Vallance, Anh hiện ở trên quỹ đạo đi sau 4 tuần so với Ý và đỉnh dịch tại Anh có thể xảy ra trong ít nhất 10 đến 14 tuần tới. Thủ tướng Johnson cho biết Anh chưa ra lệnh cấm các sự kiện tập trung đông người và trường học vẫn sẽ mở cửa nhưng mọi thứ có thể thay đổi nếu dịch bệnh lan rộng.
Bị xem là tâm dịch lớn nhất châu Âu, Ý được cho là sẽ chứng kiến dịch Covid-19 đạt đỉnh trong 2 tuần tới. Ông Massimo Galli, người đứng đầu đơn vị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở TP Milan, nói với đài ABC News rằng bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mới sau mỗi 5 phút và cơ sở này đã đạt đến tình trạng "bão hòa hoàn toàn". Trong nỗ lực quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, chính phủ Ý từ đầu tuần đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc, đóng cửa trường học đến ngày 3-4 và cấm tụ tập khi nước này ghi nhận số ca nhiễm vượt mức 15.113 và số trường hợp tử vong ít nhất là 1.016.
Hy vọng và lo lắng ở Hàn Quốc
Nhà chức trách Hàn Quốc hôm 13-3 thông báo số trường hợp khỏi bệnh Covid-19 lần đầu tiên cao hơn số ca nhiễm mới (177 so với 110) kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận hôm 20-1. Diễn biến này thắp lên hy vọng dịch Covid-19 tại Hàn Quốc có thể đang bớt nghiêm trọng. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc là 7.979 trong lúc số trường hợp tử vong là 70.
Dù vậy, theo Reuters, giới chức Hàn Quốc thúc giục người dân cảnh giác sau khi xuất hiện những chùm nhiễm mới tại một tổng đài điện thoại ở thủ đô Seoul và trụ sở Bộ Đại dương và Ngư nghiệp ở TP Sejong. Nhà chức trách TP Seoul cho biết có kế hoạch tăng cường kiểm tra khoảng 10.500 quán cà phê internet và quán karaoke tại địa phương trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở nơi đông người.
Còn tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận hôm 12-3 là 8, so với con số 15 của một ngày trước đó. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tổng số ca nhiễm ở nước này tăng lên 80.813 trong khi số người tử vong là 3.176 (tăng thêm 7 người). Trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới không ngừng sụt giảm, Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy các công ty nối lại hoạt động để giảm tác động tiêu cực về kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trung Quốc Xin Guobin hôm 13-3 cho biết 95% công ty lớn cùng với khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nối lại hoạt động tại các địa phương bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh.
Hoàng Phương
Bình luận (0)