"Chúng tôi không thể tắt hết đèn để khách ngồi trong bóng tối" - ông Richard Kovacs, Giám đốc phát triển doanh nghiệp của chuỗi cửa hàng Zing Burger (Hungary), than thở sau khi cho hãng tin AP biết ông đã phải dùng đến các cảm biến để tắt bớt đèn trong nhà kho. Từ đầu năm đến nay, một số cửa hàng của Zing Burger phải trả hóa đơn điện tăng đến 750%.
Trước tình cảnh giá cả tăng vọt và nguồn cung năng lượng eo hẹp, châu Âu đã tung ra nhiều gói hỗ trợ và chạy đua tìm kiếm nguồn năng lượng trong bối cảnh Nga cắt giảm mạnh lượng khí đốt đến lục địa già.
Từ tháng 9-2021 đến nay, theo tổ chức Bruegel (Bỉ), các nước châu Âu đã bố trí 500 tỉ euro để hỗ trợ tiền năng lượng, đồng thời mua thêm khí đốt từ Na Uy, Azerbaijan và tăng mua khí hóa lỏng đắt đỏ (chủ yếu từ Mỹ).
Ông Elias Papadimitropoulos, 55 tuổi, tích trữ củi tại nhà ở Athens - Hy Lạp để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới Ảnh: REUTERS
Hiện thời, các kho khí đốt của châu Âu đã đầy 86%, vượt mục tiêu đạt 80% trước tháng 11. Tuy nhiên, khó nói bao nhiêu là đủ để các chính phủ không phải sử dụng biện pháp cắt điện luân phiên.
AP bình luận mức độ chịu đựng của châu Âu phụ thuộc vào việc mùa đông lạnh tới đâu và tình hình ở Trung Quốc. Một khi nước này tiếp tục phong tỏa để phòng dịch COVID-19 thì kinh tế sẽ giảm hoạt động, từ đó giảm bớt cạnh tranh trong tìm nguồn cung năng lượng.
Nhưng ngay cả khi có khí đốt, giá cả leo thang vẫn đẩy người dân và doanh nghiệp vào khó khăn, bao gồm nhiều doanh nghiệp trồng rau và trái cây ở Hà Lan - nguồn cung thực phẩm chính của châu Âu trong mùa đông.
Tại Bulgaria, nước nghèo nhất trong số 27 nước Liên minh châu Âu (EU), hơn 1/4 trong số 7 triệu dân không đủ tiền sưởi ấm nhà cửa và gần phân nửa số hộ gia đình phải dùng củi - theo cơ quan thống kê của EU là Eurostat.
Vợ chồng ông Grigor Iliev, một thủ thư về hưu 68 tuổi, quyết định không dùng hệ thống sưởi tập trung mà mua máy điều hòa hai chiều cho căn hộ 2 phòng của mình. "Mua máy tốn nhiều tiền nhưng chúng tôi phải xét đến lợi ích lâu dài" - ông nói.
Trong khi đó, bà Klara Aurell, chủ 2 nhà hàng ở thủ đô Prague - Cộng hòa Czech, bày tỏ: "Chúng tôi đã chuyển sang dùng bóng đèn LED, tắt hết đèn vào ban ngày và chỉ mở máy sưởi khi nào trời thật lạnh. Chúng tôi cũng cài đặt các thiết bị tiết kiệm nước và năng lượng. Đúng là hết cách rồi, chỉ còn nước tăng giá bán thôi" - bà bày tỏ.
Bình luận (0)