Những câu chuyện sống sót kỳ diệu ít nhiều đã nhen nhóm hy vọng cho nhiều người Nepal đang mỏi mòn tìm kiếm người thân sau trận động đất hôm 25-4.
Thoát lưỡi hái tử thần
Một đội cứu hộ Trung Quốc hôm 28-4 đã đưa một thanh niên 21 tuổi ra khỏi đống đổ nát sau 62 giờ bị chôn vùi tại thủ đô Kathmandu - Nepal. Bác sĩ khẳng định sức khỏe người này vẫn ổn định. Cùng ngày, cũng tại địa phương này, các thành viên Lực lượng Phản ứng thảm họa quốc gia của Ấn Độ (NDRF) kéo được một bà cụ 74 tuổi từ dưới đống gạch vụn ra ngoài. Bà bị chôn vùi gần 50 giờ.
Một ngày trước đó, một người đàn ông tại quận Sitapayala của Kathmandu được đội tìm kiếm cứu nạn GEA của Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy trong đống đổ nát gần 48 giờ sau động đất. Dù toàn thân phủ đầy bụi đất, khuôn mặt mệt mỏi và có phần sợ hãi nhưng ông vẫn cố gắng ngẩng đầu dậy để nhìn xung quanh. Thêm một thông tin tích cực khác là toàn bộ 170 người mắc kẹt tại các trại nằm trên đường lên đỉnh núi Everest đã được trực thăng sơ tán về nơi an toàn.
Theo thống kê mới nhất hôm 28-4, động đất ở Nepal đã khiến 4.438 người thiệt mạng và hơn 8.500 người bị thương. Trong số nạn nhân có 1 người Mỹ gốc Việt tên Vinh B. Trương, thiệt mạng do lở tuyết trên Everest. Tuy nhiên, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala ước tính số người thiệt mạng có thể lên đến 10.000 người.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cho biết động đất đã khiến cuộc sống của khoảng 8 triệu người tại 39 khu vực và quận trên khắp Nepal rơi vào cảnh bấp bênh. Lực lượng Khắc phục Thiên tai Ấn Độ, một trong các tổ chức đầu tiên hỗ trợ Nepal, cảnh báo việc tìm kiếm các thi thể và dọn đống đổ nát mất rất nhiều thời gian.
Chính phủ Nepal bị chỉ trích
Hiện có nhiều tổ chức và chính phủ cung cấp hàng viện trợ, cử người đến giúp đỡ song Nepal vẫn chìm trong khó khăn chồng chất, khiến người dân chỉ trích chính phủ phản ứng quá chậm chạp. “Chờ đợi được giúp đỡ còn đau khổ hơn là tự mình làm. Bàn tay của chúng tôi lúc này chính là máy móc” - chàng thanh niên 27 tuổi Pradip Subba, người đang đào tìm thi thể của anh trai và chị dâu trong đống gạch vụn của tòa tháp lịch sử Dharahara ở Kathmandu, bày tỏ.
Thủ đô Kathmandu trong cảnh tan hoang, người dân bị chôn sống, bệnh viện thiếu trang thiết bị y tế và đầy bệnh nhân. Ở những nơi xa hơn, tình hình có thể cũng chẳng sáng sủa gì. Thách thức hiện nay đối với Nepal là vấn đề nước sạch, lương thực, chỗ ở và phòng dịch bệnh cho những người sống sót, vốn đang cắm trại vạ vật ngoài trời.
“Chính phủ đang làm mọi điều có thể để hỗ trợ người dân. Đây là một thách thức và thời khắc vô cùng khó khăn với Nepal” - Thủ tướng Koirala nói với Reuters. Hàng cứu trợ đang đổ về Kathmandu song gặp trở ngại tại sân bay Tribhuvan do hàng ngàn người chen lấn để rời Nepal.
Lở tuyết, 250 người mất tích
Một trận lở tuyết xảy ra tại làng Ghodatabela, thuộc quận Rasuwa ở phía Bắc thủ đô Kathmandu - Nepal hôm 28-4 đã khiến 250 người mất tích, trong đó có thể có du khách nước ngoài. Nhà chức trách cho biết nỗ lực cứu hộ người gặp nạn đang bị thời tiết xấu cản trở.
Vụ việc nêu trên xảy ra vài ngày sau một trận lở tuyết khác ở đỉnh núi Everest do động đất gây ra, khiến 17-22 người thiệt mạng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp xảy ra thảm họa trên nóc nhà thế giới, giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp leo núi - một trong những nguồn thu chính của quốc gia nghèo thứ 2 châu Á này.
Ông Bhim Paudel, nhà quản lý của một công ty du lịch ở thủ đô Kathmandu, lo ngại rằng các nhà leo núi sẽ không còn dám đến Everest trong năm nay do thảm họa nêu trên. Một viễn cảnh như thế sẽ giáng một đòn mạnh vào cuộc sống của người dân địa phương, bởi thu nhập của một người dẫn đường có thể lên đến gần 7.000 USD mỗi mùa, cao hơn gần 10 lần thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở Nepal.
Trong một diễn biến khác, mọi hoạt động tại phần núi Everest thuộc lãnh thổ Trung Quốc láng giềng đã bị hủy sau thảm họa động đất.
Xuân Mai
Bình luận (0)