Anh có thể trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), sớm nhất là trong tuần này. Trang Bloomberg hôm 29-11 dẫn một nguồn tin mật cho biết Cơ quan Quản lý Thuốc uống và Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) đã bắt đầu quá trình đánh giá liệu vắc-xin trên có đạt chuẩn hay không sau khi có đủ dữ liệu cần thiết. MHRA cho biết thêm sẽ "ra quyết định sớm nhất có thể" đối với sản phẩm được cho là có hiệu quả 95% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với sự tham gia của gần 44.000 người.
Theo Financial Times, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, chính phủ Anh có thể bắt đầu cho tiêm chủng từ ngày 7-12. Anh hiện là quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu với hơn 58.000 ca.
Thông tin trên được tiết lộ sau khi ông Nadhim Zahawi được bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ trách hoạt động triển khai vắc-xin Covid-19 tại Anh. Văn phòng Thủ tướng Boris Johnson trong một tuyên bố cho biết ông Zahawi sẽ tạm thời đảm nhận vị trí này đến ít nhất hè năm sau. Nước này đã đặt đủ liều vắc-xin Pfizer-BioNTech để tiêm chủng cho khoảng 20 triệu người. Ngoài ra, theo Reuters, chính quyền ông Johnson hôm 29-11 thông báo đã đặt thêm 2 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), nâng tổng số liều lên 7 triệu. Dữ liệu ban đầu từ cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắc-xin của Moderna cho hiệu quả đến 94,5% trong việc ngăn Covid-19.
Chưa hết, Anh còn đặt mua 100 triệu liều vắc-xin được đồng phát triển bởi Trường ĐH Oxford và Công ty AstraZeneca (đều của Anh). Mục tiêu đề ra là đưa vắc-xin này vào sử dụng trước Giáng sinh năm nay.
Các tình nguyện viên tham gia khóa huấn luyện về tiêm chủng Covid-19 tại Trung tâm Huấn luyện Princess Anne ở TP Derby - Anh hôm 28-11 Ảnh: REUTERS
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump gần đây thông báo quá trình phân phối vắc-xin Covid-19 sẽ được bắt đầu trong tuần này và tuần sau đó. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định vắc-xin sẽ được ưu tiên cho người ở tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế và người lớn tuổi.
Tuy nhiên, bà Celine Gounder - thành viên ban cố vấn Covid-19 của ông Joe Biden (người được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử), hôm 28-11 nhận định rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong những nhóm khác nhau có thể không giống nhau, nên việc ưu tiên tiêm chủng cho nhóm nào sẽ là một câu hỏi khó. Theo bà Gounder, ông Biden sẽ để các chuyên gia y tế quyết định xem ai là người được ưu tiên tiếp cận các đợt vắc-xin có số lượng hạn chế đầu tiên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự kiến họp vào ngày 1-12 để xác định nên ưu tiên tiêm chủng cho nhóm nào. Theo Trường ĐH Hopkins (Mỹ), quốc gia này ghi nhận thêm hơn 138.000 ca nhiễm và 1.100 ca tử vong trong ngày 28-11. Đây là ngày thứ 26 liên tiếp Mỹ ghi nhận mức tăng hơn 100.000 ca nhiễm sau 24 giờ.
Trong khi đó, người đứng đầu Viện Serum Ấn Độ Adar Poonawalla thông báo sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của Oxford - AstraZeneca trong vòng 2 tuần tới. Phát biểu sau cuộc gặp Thủ tướng Narendra Modi hôm 28-11, ông Poonawalla cho biết chính phủ Ấn Độ nhiều khả năng đặt mua 300-400 triệu liều vắc-xin đến tháng 7-2021. Bộ Y tế Ấn Độ hôm 29-11 thông báo nước này ghi nhận thêm 41.810 ca nhiễm và 496 ca tử vong sau 24 giờ, lần lượt nâng tổng số lên gần 9,4 triệu và 136.000 ca.
Bình luận (0)