Nguyên nhân, theo Chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe công Ấn Độ K Srinath Reddy, nằm ở chỗ loại vắc-xin trên phải được lưu trữ ở nhiệt độ tối thiểu -70 độ C. Công ty chuyên về hậu cần DHL (Đức) chỉ ra việc phải có hạ tầng lưu trữ phù hợp khiến cho vắc-xin của Pfizer/BioNTech nằm ngoài tầm với của khoảng 2/3 dân số thế giới, bao gồm nhiều vùng rộng lớn ở Nam Á, châu Phi và cả nhiều khu vực nông thôn ở Mỹ và Nam Mỹ.
Một vắc-xin tiềm năng khác - do hãng Moderna (Mỹ) nghiên cứu - phù hợp hơn với các vùng khí hậu nóng và hạn chế về hạ tầng. Tuy nhiên, theo báo Guardian (Anh), hiện nay là lúc giới khoa học chạy đua nghiên cứu các hình thức vận chuyển vắc-xin sao cho an toàn và ít tốn kém hơn. Họ cũng tìm hiểu xem vắc-xin Covid-19 trong tương lai có thể bào chế thành dạng lỏng, bột, viên nhộng hay giọt uống vào miệng, xịt vào mũi hay không. Nếu thành công thì yêu cầu duy nhất khi vận chuyển vắc-xin chỉ là… địa chỉ người dùng.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Ấn Độ. Ảnh: EPA-EFE
Tại Mỹ, công ty công nghệ sinh học Vaxart đang nghiên cứu "nhét" vắc-xin vào viên nhộng để khắc phục nhược điểm lưu trữ ở nhiệt độ âm. Trong khi đó, Viện Khoa học Ấn Độ hiện thử nghiệm vắc-xin Covid-19 "ấm" dạng bột, vẫn có hiệu lực ở nhiệt độ 100 độ C để phù hợp với mùa hè nóng bỏng của nước này.
Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đang phải tăng tốc bởi số ca nhiễm Covid-19 ở đất nước đông dân thứ hai thế giới đã vượt qua con số 9 triệu, với hơn 132.000 người chết. Như vậy, Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ về số ca nhiễm, hiện ở Mỹ ghi nhận hơn 11,6 triệu ca nhiễm và hơn 250.000 người tử vong. Nhiều bang tại Mỹ đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch để đối phó đà lây nhiễm chóng mặt. Từ tối 21-11 (giờ địa phương), bang California bắt đầu giới nghiêm ban đêm (từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng hôm sau). Lệnh này áp dụng cho phần lớn diện tích bang và kéo dài đến hết ngày 21-12 bởi "virus đang lây lan nhanh chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát", theo Thống đốc Gavin Newsom.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm 20-11 phải lên tiếng kêu gọi người dân hủy bỏ toàn bộ các cuộc tụ tập, vui chơi nhân dịp năm mới sắp đến. Reuters đưa tin ông Chung còn khuyến khích người lao động làm việc tại nhà và người trên 60 tuổi không ra ngoài. Làn sóng lây nhiễm thứ ba đang ập đến Hàn Quốc sau khi ba ngày liên tiếp chứng kiến số ca nhiễm mới vượt mốc 300. Hiện nước này ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm với 501 trường hợp tử vong.
Tình hình căng thẳng không kém ở châu Âu khiến Liên minh châu Âu (EU) không ngần ngại chi tiền mua vắc-xin Covid-19. Theo Reuters, EU có thể chi hơn 10 tỉ USD để bảo đảm có trong tay hàng trăm triệu liều vắc-xin tiềm năng đang được phát triển bởi Pfizer/BioNTech và CureVac.
Bình luận (0)