Tehran đã được thông báo trước về bước đi trên vào tuần rồi nhưng cho rằng như thế có thể vẫn chưa đủ để thuyết phục họ tuân thủ JCPOA.
Iran và 6 quốc gia Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức đã ký JCPOA năm 2015 nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi thỏa thuận này vào năm ngoái. Cơ hội cứu vãn JCPOA vẫn còn khi đại diện các nước còn tham gia thỏa thuận gặp nhau tại thủ đô Vienna - Áo ngày 28-6 để thảo luận "thông báo của Iran về việc thực hiện các cam kết hạt nhân của mình".
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản để thúc đẩy Mỹ xuống thang và nói rõ nước này đang đòi hỏi những gì ở Tehran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) trước nhà máy hạt nhân Bushehr. Ảnh: IRNA
Iran trước đó thông báo phá vỡ một phần thỏa thuận hạt nhân trong ngày 27-6 bằng cách vượt qua giới hạn dự trữ 300 kg urani làm giàu ở mức độ thấp. Đến ngày 7-7, nước này dự kiến tăng độ tinh khiết của urani làm giàu vượt quá giới hạn 3,67% được đề ra trong thỏa thuận nhằm ngăn Tehran phát triển urani ở cấp độ vũ khí. Những bước đi này có thể khiến Iran đối mặt nguy cơ bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Theo trang Bloomberg, bất kỳ động thái vi phạm thỏa thuận nào từ Iran cũng sẽ khiến châu Âu, Trung Quốc và Nga gặp khó trong việc chống lại sức ép gia tăng của Mỹ. Trong trường hợp Iran quyết định rút khỏi JCPOA, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nhiều khả năng thêm nghiêm trọng bởi Mỹ có thể yêu cầu các nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức - làm điều tương tự và cùng nhau trừng phạt Tehran.
Bình luận (0)