Lo ngại các bộ kit xét nghiệm hiện có không thể phát hiện triệt để người nhiễm virus corona chủng mới (nCoV), Công ty Chẩn đoán Cepheid (trụ sở tại bang California - Mỹ) hôm 10-2 cho biết đang phát triển một thiết bị xét nghiệm phân tử tự động dự kiến cho kết quả trong 30 phút. Khi sản phẩm được thử nghiệm thành công, Cepheid cho biết sẽ đăng ký bản quyền với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trước khi tung ra thị trường.
Đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán
Trong khi đó, khả năng kiểm soát tốc độ lây lan của nCoV bắt nguồn từ TP Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc gặp thách thức khi các xét nghiệm axít nucleic (NAT - đang được sử dụng rộng rãi để phát hiện người nhiễm) cũng không thể bảo đảm độ chính xác.
Theo báo China Daily (Trung Quốc), một bệnh nhân tại Bắc Kinh đã cho kết quả âm tính sau 3 lần xét nghiệm NAT thông qua phết họng nhưng khi trích xuất mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp dưới lại cho thấy người này nhiễm nCoV.
Ông Gao Zhancheng, Trưởng Khoa Hô hấp và Chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân dân thuộc Trường ĐH Bắc Kinh, cho hay các yếu tố ảnh hưởng đến sự chính xác của xét nghiệm NAT gồm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, sự phát triển của bệnh, phương pháp chiết xuất mẫu bệnh phẩm và môi trường phòng thí nghiệm.
Chuyên gia này thông tin trong cuộc họp báo hôm 9-2: "Xét nghiệm axít nucleic đối với các loại virus khác cũng không bảo đảm tính chính xác hoàn toàn. Tuy nhiên, đây vẫn là biện pháp không thể thay thế".
Một nhà khoa học đang tiến hành các xét nghiệm tại Công ty Chẩn đoán Cepheid - MỹẢnh: Medical xpress
Trong khi đó, GS Wang Chen, chuyên gia về các bệnh hiểm nghèo và giám đốc của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, nhấn mạnh đặc điểm của nCoV là không phải tất cả người bị nhiễm đều cho kết quả dương tính. Tỉ lệ chính xác của xét nghiệm chỉ từ 35%-50%.
Những cuộc xét nghiệm như NAT đặc biệt quan trọng ở những người có thể nhiễm nCoV nhưng chưa có triệu chứng. Các bác sĩ lo ngại tình trạng nhiều bệnh viện trả người nghi nhiễm về nhà sau khi các xét nghiệm NAT cho kết quả âm tính.
Bác sĩ Zhang Xiaochun, Phó Giám đốc Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Zhongnan của Trường ĐH Vũ Hán, cảnh báo những trường hợp nhiễm nCoV đã trải qua một hoặc nhiều lần xét nghiệm NAT nhưng không có triệu chứng lâm sàng và được theo dõi tại nhà có thể là nguồn lây nhiễm rộng rãi.
Sự lây lan của nCoV bùng phát từ TP Vũ Hán gây ra ít nhất là đã làm 1.018 người tử vong trên toàn cầu, vượt qua số trường hợp tử vong do Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) năm 2003. Các nhà khoa học từ Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Singapore và Mỹ đang tham gia nỗ lực chung trong việc phát triển các phương pháp xét nghiệm hiệu quả, giúp đẩy nhanh tốc độ chẩn đoán.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), tình trạng thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm và sự thiếu chính xác về mặt kỹ thuật của các bộ dụng cụ này đã làm tình hình trầm trọng thêm, qua đó cho thấy số ca nhiễm thực tế có thể còn cao hơn số liệu chính thức.
Chỉ trong một lần thử
Nhằm giải quyết thách thức trên, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt 7 bộ dụng cụ xét nghiệm sử dụng phương pháp phân tích axít nucleic trong vòng 2 tuần qua. Các công ty đã phát triển 7 bộ dụng cụ nói trên, gồm: BGI Group, Liferiver, Shanghai GeneoDx, DAAN Gene, Sansure Biotech, Shanghai BioGerm và Shanghai Huirui Biotechnology - có thể cung cấp tổng cộng khoảng 1 triệu bộ dụng cụ thử/ngày.
Hồi cuối tuần qua, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc kêu gọi phát triển thêm nhiều công nghệ xét nghiệm mới có thể thực hiện nhanh chóng tại chỗ. Bên ngoài Trung Quốc, các nhà khoa học Hồng Kông và Macau cũng ra mắt phương pháp chẩn đoán có thể cho kết quả sau 40 phút. Trong khi đó, phòng thí nghiệm Veredus ở Singapore đã công bố một bộ kit xét nghiệm cầm tay có thể phát hiện nCoV, MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), SARS và một số nhóm virus khác chỉ trong một lần thử.
Ủ bệnh đến 24 ngày?
Theo một nghiên cứu mới công bố trên nền tảng medRxiv hôm 9-2, các chuyên gia Trung Quốc không loại trừ khả năng nCoV có thời gian ủ bệnh lên đến 24 ngày. Báo cáo dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 1.000 bệnh nhân Trung Quốc cho thấy thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 14 ngày như thông tin trước đó.
Nghiên cứu mới do nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn, người phát hiện ra virus SARS năm 2003 dẫn đầu, có thể khiến giới chức trách phải suy nghĩ lại về thời gian cách ly đối với các trường hợp nghi ngờ hiện là 2 tuần. Nghiên cứu cũng chỉ ra số lượng đáng kể bệnh nhân không có triệu chứng sốt hay biểu hiện bất thường qua thăm khám lần đầu. Theo đó, chỉ 43,8% bệnh nhân có triệu chứng sốt trong lần khám đầu tiên và 87,9% phát sốt sau khi nhập viện. Tuy nhiên, medRxiv lưu ý đây là phiên bản xem trước của nghiên cứu chưa qua xét duyệt và không nên áp dụng để hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Bình luận (0)