Cách đây hơn 5 năm, vào ngày 11-1-2007, một quả tên lửa được phóng lên từ trung tâm vũ trụ Tây Xương ở miền Trung Trung Quốc mang theo một “phương tiện sát thương” không có chất nổ. Khi phương tiện này tách khỏi tên lửa, nó tấn công một vệ tinh thời tiết Trung Quốc hoạt động ở độ cao 800 km đã 8 năm rồi. Cú va chạm cố tình khiến vệ tinh vỡ tan thành hàng ngàn mảnh, tạo ra một đám mây rác vũ trụ.
Ăn miếng trả miếng
Vụ phóng “vệ tinh diệt vệ tinh” nói trên được tiến hành âm thầm không báo trước là một cuộc thử nghiệm hệ thống chống vệ tinh của Trung Quốc. Trước đó, năm 1985, không quân Mỹ (USAF) từng biểu diễn một màn “diệt vệ tinh của địch” tương tự với một quả tên lửa phóng từ máy bay tiêm kích F-15.
Phản ứng của thế giới trước vụ phô diễn vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc là tức thời và quyết liệt. Úc, Canada, Nhật Bản, Anh và Mỹ đồng thanh lên án cuộc thử nghiệm quân sự của Trung Quốc. Gordon Johndroe, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lúc bấy giờ, tuyên bố: “Việc phát triển và thử nghiệm vũ khí vũ trụ của Trung Quốc không phù hợp với tinh thần hợp tác mà hai nước từng mong đợi trong kỷ nguyên không gian vũ trụ vì dân sinh”.
Một năm sau, ứng viên tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ Barack Obama đưa vũ khí diệt vệ tinh Trung Quốc vào chương trình vận động tranh cử của mình. Ông tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng Mỹ phải chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình bằng cách thuyết phục các nước ngồi vào bàn đàm phán một cách tốt nhất để giảm thiểu khuynh hướng tạo ra chiến trường mới (với vũ khí vũ trụ)”.
Hai vệ tinh Thạch Giám tự động sáp lại gần nhau. Ảnh: WIRED
Công nghệ hẹn gặp trong vũ trụ
Trung Quốc cũng chẳng vừa. X-37B bay lên trời được 4 tháng thì Trung Quốc bí mật thử nghiệm công nghệ mới: một cuộc hẹn giữa 2 vệ tinh. Người phát hiện sự kiện này là một người Nga giàu kinh nghiệm về chương trình không gian các nước. Người này còn nói rõ đó là vệ tinh Thạch Giám (SJ)-12 phóng ngày 15-6 và Thạch Giám (SJ) - 06F, một vệ tinh phóng trước đó 2 năm. Bắc Kinh hoàn toàn im lặng về sự kiện này. Cuộc gặp diễn ra vào ngày 15-8 có 2 ý nghĩa, tùy theo quan điểm khoa học hoặc quân sự.
Mỹ là nước đầu tiên phát triển công nghệ nói trên. Năm 2005, NASA (Cơ quan Không gian Mỹ) phóng vệ tinh DART (từ viết tắt của Thao diễn Công nghệ hẹn gặp tự động) sáp lại gần một vệ tinh của hải quân Mỹ. Do trục trặc kỹ thuật, 2 vệ tinh đã đâm vào nhau. Từ sự cố này, NASA đã phát triển chương trình Orbital Express chứng minh rằng 2 vệ tinh có thể tự động gặp nhau để thực hiện các nhiệm vụ khoa học hoặc quân sự.
Không chỉ có Trung Quốc thử nghiệm công nghệ mới. Năm 2010, Ấn Độ cũng bắt đầu phát triển chương trình chống vệ tinh có sử dụng laser.
Thế giới cần sự minh bạch
Bởi tất cả các công nghệ không gian vũ trụ đều mang tính lưỡng dụng (dân sự và quân sự) nên bất cứ cuộc thử nghiệm nào cũng gây tâm lý bất an. Cuộc thử nghiệm máy bay vũ trụ X-37B bao trùm bởi màn bí mật gần như tuyệt đối khiến Trung Quốc, Ấn Độ và Nga nghi ngờ mục đích thực sự của nó.
Ngược lại, Mỹ cũng cảm thấy lo lắng khi chương trình không gian Trung Quốc tiến bộ rất nhanh đe dọa vị thế cường quốc vũ trụ của Mỹ. Đặc biệt tại thời điểm này, ngân sách dành cho chương trình không gian Mỹ bị chính phủ và quốc hội cắt giảm không thương tiếc.
Vậy làm thế nào để xóa đi tâm lý ngán ngại nhau giữa các nước thù địch dẫn đến chạy đua vũ trang mới trong không gian? Theo David Axe, với tư cách là cường quốc vũ trụ số 1, Mỹ cần chia sẻ công nghệ không gian với các nước, nhất là Trung Quốc. Nói chung, các nước phải minh bạch chương trình không gian của mình.
Bình luận (0)