Theo kênh NBC News, trong khi những người lính cứu hỏa đang tận lực khống chế ngọn lửa ở nhà thờ Đức Bà Paris tối 15-4, trên các trang Twitter và YouTube xuất hiện các thuyết âm mưu - được đăng tải bởi cả các tài khoản nặc danh lẫn những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng lan truyền các giả thuyết bài Hồi giáo về thảm họa nói trên. Trong khi đó, các nhà điều tra nước Pháp đã loại trừ khả năng đốt phá và khủng bố và cho rằng ngọn lửa bùng lên có thể liên quan đến quá trình sửa chữa đang diễn ra tại ngôi nhà thờ này.
Bà Sophie Bjork-James, chuyên gia về nhân loại học tại Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ), cho biết các đoạn clip được biên tập và các đề tài tranh luận nêu trên nằm trong một chiến lược nhằm dẫn dắt thêm nhiều người da trắng đi theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, cũng như thổi bùng ngọn lửa bài Hồi giáo. Bà Bjork-James trích dẫn thông điệp trên Twitter của Richard Spencer, một nhân vật nổi bật theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, rằng ngọn lửa đó có thể khích lệ đàn ông da trắng ra tay hành động - chiếm quyền lực ở các quốc gia họ, ở châu Âu, trên thế giới. Theo nữ chuyên gia trên, trách nhiệm ở đây thuộc về các công ty truyền thông xã hội bởi vì họ thường xuyên duy trì những lời dối trá miêu tả người theo đạo Hồi ăn mừng vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 18-4 tuyên dương đội ngũ lính cứu hỏa và lực lượng an ninh đã tham gia chữa cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris Ảnh: REUTERS
Đơn cử, Stefan Molyneux và Faith Goldy - 2 nhân vật khích động ý thức hệ cực đoan này trên YouTube và đều được xác nhận trên Twitter - đã tung ra thuyết âm mưu về người theo đạo Hồi liên quan đến trận hỏa hoạn kinh hoàng vừa qua, thu hút được hàng chục ngàn phản hồi. Goldy mới bị Facebook cấm trong tháng này trong chiến dịch thanh lọc các tài khoản ủng hộ chủ nghĩa dân tộc da trắng. Còn Molyneux - sống ở Canada - đã kêu gọi công chúng không tin bất kỳ giới chức nào đánh giá nguyên nhân vụ cháy ở nhà thờ Đức Bà Paris. Đáng nói là người sử dụng mạng hiện vẫn đọc được thông điệp trên Twitter của Goldy và Molyneux.
Theo báo USA Today, thông tin sai lệch cũng đã lan tràn từ các tài khoản tự khẳng định là các nguồn tin hợp pháp. Theo một phát ngôn viên đài CNN, Twitter cũng đã từ chối tháo dỡ ngay lập tức thông tin sai trái liên quan đến trận hỏa hoạn. Đài CNN đưa tin một tài khoản Twitter giả mạo tạo ra trong tháng 4 này đã quả quyết "vụ cháy do khủng bố gây ra". Tài khoản này đã bị đóng trong vòng vài giờ sau khi đài CNN công khai chỉ trích Twitter về vụ này.
Đến nay, các công ty truyền thông xã hội đã nhận lãnh vai trò tích cực hơn trong việc tiết chế các tài khoản trên nền hệ thống của họ. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này chỉ gần đây mới có động thái nỗ lực thanh lọc những loại phát ngôn mang tính hằn thù nhất định, chẳng hạn như chủ nghĩa dân tộc da trắng và bài Hồi giáo. Twitter hôm 16-4 đã công bố bản báo cáo nêu chi tiết nỗ lực tháo gỡ các phát ngôn thù hằn. Công ty này xác nhận rằng hệ thống tự động của mình đã gỡ xuống 38% số nội dung có tính chất lăng mạ trước khi công chúng xem được.
Một phát ngôn viên của Twitter nói với báo Washington Post rằng công ty đang xem xét lại các nội dung đăng tải và sẽ gỡ chúng xuống nếu chúng vi phạm quy định của Twitter.
Thông tin sai trái lan tràn
Website InfoWars đã đăng câu chuyện dựa trên một phát biểu trên trang Twitter (hiện đã bị xóa) của Christopher J. Hale khẳng định rằng có người cố ý gây ra vụ cháy ở nhà thờ Đức Bà Paris. Tự nhận mình là cộng tác viên của tạp chí Time và kênh Fox News, Hale sau đó nói rằng phát biểu ban đầu của anh ta là một "lời đồn đại chưa được minh chứng". Trong khi lửa đang phá hủy nhà thờ Đức Bà Paris, một vị khách mời của kênh Fox News cho rằng vụ cháy đã được cố ý gây ra, đồng thời gọi đó là "vụ 11-9 của Pháp". Người dẫn chương trình Shepard Smith đã nhanh chóng kết thúc cuộc phỏng vấn và tuyên bố "người đàn ông kết nối điện thoại với chúng tôi hoàn toàn không có bất cứ loại thông tin nào về vụ cháy này và tôi cũng vậy".
Bình luận (0)