Một số công ty an ninh hàng hải quốc tế đang phải cắt giảm số lượng nhân viên và chuyển hướng sang những thị trường mới do cướp biển Somalia giảm hoạt động cũng như môi trường cạnh tranh khốc liệt. Trong 7 năm qua, hàng trăm công ty an ninh hàng hải mọc lên để bảo vệ các tàu hàng trước sự hoành hành của cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Cục Hàng hải quốc tế, các cuộc tấn công ở vịnh Aden và Ấn Độ Dương đã giảm từ 237 vụ trong năm 2011 xuống còn 10 vụ trong 9 tháng đầu năm nay, mức thấp nhất kể từ khi cướp biển bắt đầu nở rộ vào năm 2008. Sự sụt giảm này có được nhờ việc sử dụng nhân viên bảo vệ vũ trang, triển khai lực lượng hải quân và các biện pháp bảo vệ tàu như dây thép gai, vòi rồng… Thế nhưng, số vụ cướp biển lại gia tăng ở Tây Phi và Đông Nam Á. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014 đã có 23 vụ cướp ở Tây Phi và gần 100 vụ ở ngoài khơi các nước Singapore, Indonesia và Malaysia. Vì thế, một số công ty an ninh hàng hải đã chuyển hướng sang các thị trường “đầy tiềm năng” này dù kinh doanh không phải dễ. Cạnh tranh dữ dội khiến chi phí thuê nhóm an ninh bảo vệ tàu giảm đến một nửa - từ mức trung bình 40.000 USD xuống còn 18.000 - 20.000 USD/chuyến. Một nhóm an ninh thường gồm 3-4 người, được trang bị vũ khí bán tự động để tối đa hóa hỏa lực cùng với súng trường nhằm bảo đảm độ chính xác cao.
Ông Ian May, quản lý khu vực châu Á của Công ty Protection Vessels International, cho hãng tin Reuters biết một số doanh nghiệp buộc phải chuyển từ sử dụng cựu lính thủy đánh bộ, lính đặc nhiệm Anh, Mỹ sang thuê nhân viên an ninh Ấn Độ, Philippines, Estonia…để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, quy định hạn chế nhân viên bảo vệ vũ trang tư nhân trên tàu ở Tây Phi trong lúc mức độ bạo lực không cao trong các vụ cướp biển ở Đông Nam Á khiến nhu cầu đối với dịch vụ an ninh hàng hải tại những vùng biển này vẫn chưa cao.
Bình luận (0)