Có thể hiểu được vị thế của Maldives bởi đảo quốc 400.000 dân ở Ấn Độ Dương này có diện tích trải rộng trên một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Nội bộ Maldives đang xào xáo quanh kế hoạch của Riyadh về đầu tư nhiều tỉ USD vào đảo san hô vòng Faafu. Ông James M. Dorsey, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng Ả Rập Saudi hy vọng Faafu sẽ bổ sung thêm lợi thế trong cuộc đối đầu với “kẻ thù” Iran.
Ả Rập Saudi không phải là nước lớn duy nhất dòm ngó Maldives. Trung Quốc xem đảo quốc này đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến “Con đường tơ lụa hàng hải mới”, kết nối các lợi ích năng lượng, thương mại của Bắc Kinh với Trung Đông. Ngoài ra, quốc gia đông dân nhất thế giới còn muốn lôi kéo Maldives trong nỗ lực mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương và cạnh tranh với đối thủ hàng đầu Ấn Độ tại khu vực.
Trong chuyến thăm Maldives của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2014, Bắc Kinh đồng ý xây một cảng biển tại Laamu - đảo san hô vòng phía Nam Faafu. Cảng này sẽ là một phần tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc, bên cạnh những cảng ở Djibouti, TP Gwadar - Pakistan, thị trấn Hambantota - Sri Lanka… Đáp lễ, chính phủ Tổng thống Maldives Abdulla Yameen năm ngoái cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê một đảo không người ở gần thủ đô Male.
Giới phân tích nhận định cả Riyadh lẫn Bắc Kinh đang tìm cách ve vãn để được Maldives bật đèn xanh cho việc đặt căn cứ quân sự trên chuỗi đảo san hô dài 820 km này. Một kết quả như thế sẽ bổ sung cho các tiền đồn quân sự của cả hai nước ở Djibouti, một quốc gia Đông Phi nằm trên tuyến đường xuất khẩu năng lượng quan trọng tại cửa biển Đỏ. “Họ muốn có căn cứ ở Maldives để bảo đảm an ninh cho các tuyến thương mại - tuyến vận chuyển dầu - đến những thị trường mới cũng như có được cơ sở hạ tầng chiến lược” - trang Climate Change News dẫn lời cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed, hiện sống lưu vong ở Anh, giải thích.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới đang tăng cường hợp tác về quân sự và kinh tế. Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Quốc vương Salman hôm 16-3, hai bên đã ký một loạt thỏa thuận kinh tế được cho là có giá trị lên đến 65 tỉ USD. Trước đó, hồi tháng 10-2016, quân đội Trung Quốc và lực lượng vũ trang Ả Rập Saudi tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên. Sự hợp tác nói trên có thể mở rộng thông qua Maldives. Riyadh muốn sử dụng quyền lực mềm ở Maldives để thuyết phục Trung Quốc rằng chính Ả Rập Saudi, chứ không phải Iran, mới là mắt xích chủ chốt trong sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Ở chiều ngược lại, ông Nasheed cho rằng Bắc Kinh có thể đóng vai trò nào đó trong dự án đảo san hô Faafu của Ả Rập Saudi.
Làn sóng phản đối trong lòng Maldives cho thấy không dễ để Trung Quốc hoặc Ả Rập Saudi theo đuổi tham vọng của mình. Chính quyền ông Yameen gần đây phải bác bỏ cáo buộc của phe đối lập rằng sẽ bán đảo cho Ả Rập Saudi. “Chúng tôi không muốn can dự vào một cuộc chiến tranh lạnh nào đó giữa các quốc gia” - ông Nasheed nhấn mạnh.
Bình luận (0)