Hôm 9-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tỏ thái độ ngạc nhiên trước phản ứng mạnh của Iraq về việc Ankara đưa vài trăm binh sĩ cùng xe tăng và pháo hạng nặng đến gần TP Mosul đang chịu sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Iraq.
Lực lượng Shiite đe dọa
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Jazeera, ông Erdogan cho biết binh sĩ nước này đã đóng tại một căn cứ quân sự ở miền Bắc Iraq kể từ năm 2014 để giúp binh sĩ nước chủ nhà chống IS theo yêu cầu của chính Thủ tướng Haider al-Abadi. Cũng theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, ông Abadi chỉ lên tiếng đòi Ankara rút quân bởi những diễn biến mới đây ở khu vực.
Cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu giải thích binh sĩ nước này được phái đến Iraq sau khi có mối đe dọa đối với các chuyên gia huấn luyện quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở doanh trại Bashiqa - chỉ cách Mosul từ 15-20 km.
Một doanh trại huấn luyện các tay súng chiến đấu chống lại IS
ở miền Bắc Iraq Ảnh: INTERNATIONAL BUSINESS TIMES
Chính quyền khu tự trị người Kurd tại Iraq (KRG) vào cuối tuần rồi cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã mở 3 căn cứ quân sự tại Iraq vào cuối năm 2014 - 2 dành cho lực lượng dân quân người Kurd và 1 dành cho lực lượng Iraq ở gần Mosul. Theo KRG, các thiết bị quân sự và hậu cần đã được chuyển đến căn cứ sát Mosul trong những ngày gần đây để củng cố sức mạnh ở đó.
Không chỉ bị Baghdad phản ứng mạnh, việc triển khai quân nói trên còn chọc giận các tay súng Shiite được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Ông Karim al-Nuri, người phát ngôn Lữ đoàn Badr, liên minh lớn nhất của các tay súng Shiite, hôm 9-12 so sánh hành động của Ankara không khác gì “sự chiếm đóng” của IS, đồng thời cảnh báo không loại trừ khả năng tấn công lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq nếu không chịu rút về.
Đối mặt mối đe dọa ngày càng tăng, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày khuyến cáo bất kỳ công dân nào đang có mặt tại Iraq, trừ các tỉnh của người Kurd, lập tức về nước nếu không có chuyện quan trọng ở đó.
Sức ép từ Nga
Dù không nói rõ nhưng ai cũng hiểu ông Erdogan có ý nói Iraq bắt đầu “lớn tiếng” với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quan hệ giữa Ankara và Moscow xấu đi vì vụ máy bay ném bom Su-24 bị bắn hạ.
Ông Serdar Erdurmaz, một nhà phân tích quân sự tại Trường ĐH Hasan Kalyoncu (Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng sức ép của Nga đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi thái độ của Baghdad. “Sau vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24, Moscow bắt đầu gây sức ép lên Ankara mỗi khi có thể và đây là một trong những ví dụ mới nhất” - ông Erdurmaz nói với Tân Hoa Xã.
Vì thế, theo ông Haluk Ozdemir, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Kirikkale (Thổ Nhĩ Kỳ), động thái triển khai quân của Ankara tới Iraq còn nhằm phát đi tín hiệu cảnh báo tới Nga sau khi nước này tăng cường can dự quân sự tại khu vực.
Không dừng lại ở đó, ông Metin Gurcan, một nhà phân tích an ninh người Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ ra Ankara đang tăng cường hỗ trợ người Sunni và KRG ở Iraq nhằm thiết lập thế cân bằng với liên minh người Shiite đang chống IS.
Hơn nữa, bằng cách củng cố sự hiện diện quân sự ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai khu vực một khi IS không còn là tâm điểm chú ý. “Sau khi bắn hạ máy bay Nga, Ankara bị loại khỏi cuộc chơi ở Syria. Giờ đây, nước này muốn bù đắp cho sự cô lập ở Syria bằng sự hiện diện ở Iraq” - ông Gurcan nhận định.
Một mục đích khác, theo ông Mehmet Kaya, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris (Thổ Nhĩ Kỳ), là Ankara muốn ngăn ngừa Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - đang đòi tự trị cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ - mở rộng ảnh hưởng ở miền Bắc Iraq.
Thậm chí, ông Aaron Stein, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho rằng hành động điều quân có thể bị xem là một phần trong tham vọng sáp nhập lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ. “Đối với nhiều người, đây sẽ bị xem là một nỗ lực nhằm phá vỡ quốc gia Iraq” - ông Aaron nói với trang tin Bloomberg.
Chia sẻ quan điểm này, nhà phân tích chính trị độc lập Pepe Escobar cho đài RT (Nga) biết việc đưa bộ binh và xe tăng vào Iraq là một hành động có tính toán nhằm phục vụ mưu đồ “chia để trị” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)