Liên minh châu Âu (EU) đang tính toán về vấn đề quan trọng nhất lúc này: Buộc Anh chi trả nhiều nhất có thể cho "hóa đơn ly hôn" khi rời khối (gọi tắt là Brexit). Tuy nhiên, cũng chính tiền bạc sẽ chia rẽ EU sau Brexit.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ở TP Brussels - Bỉ hôm 19-10 Ảnh: REUTERS
Chính phủ Anh từng hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh EU trong 2 ngày 19 và 20-10 vừa qua là thời điểm các cuộc đàm phán Brexit chuyển sang thảo luận về thương mại.
Tuy nhiên, hy vọng nhanh chóng vụt tắt khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh sẽ trì hoãn vấn đề này cho đến khi đạt được tiến triển trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đàm phán, nhất là đạt thỏa thuận về việc Anh sẽ phải chi trả bao nhiêu để giải quyết các nghĩa vụ của mình khi rời khỏi EU.
Bất ổn chính trị trong chính phủ Anh và sự yếu thế của Thủ tướng Theresa May sau khi Đảng Bảo thủ mất thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử chắc chắn đang cản trở đàm phán.
Không có gì khó hiểu khi các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra lo lắng về việc đạt được thỏa thuận với một người có thể không còn là thủ tướng khi nước Anh rời khỏi EU trong 17 tháng tới.
EU hiện nắm giữ những quân bài mạnh nhất bởi với Anh, điều quan trọng nhất là các thỏa thuận thương mại trong tương lai với thị trường khổng lồ này.
Hạn chót của tiến trình Brexit theo điều 50 Hiệp ước Lisbon càng củng cố lợi thế của EU vì Anh phải ra đi vào tháng 3-2019 dù có đạt được thỏa thuận nào hay không (trừ khi 27 quốc gia thành viên thống nhất gia hạn thời hạn chót này).
Bất chấp những tuyên bố cứng rắn ở London về việc chuẩn bị cho sự ra đi mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, Anh sẽ nỗ lực hết sức để tránh một kết quả gây tổn thất cho đất nước.
Nếu quy mô kinh tế và thời gian là lợi thế của EU thì quân bài mạnh nhất của chính phủ Anh là tiền và hiển nhiên London chưa sẵn sàng "chơi tất tay" quá sớm.
Dù vậy, Thủ tướng May đã có sự nhượng bộ quan trọng. Như là một phần của giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng 2 năm, Anh sẽ tiếp tục đóng góp vào ngân sách EU khoảng 10 tỉ euro (11,8 tỉ USD)/năm), giúp khối này giải quyết lập tức chuyện tiền bạc trong 2 năm còn lại của kế hoạch ngân sách 7 năm 2014-2020.
Tuy nhiên, có 2 lý do khiến số tiền nêu trên là chưa đủ. Thứ nhất, EU trên thực tế vay mượn từ tương lai bằng cách đưa ra những cam kết chi tiêu và sẽ chi trả sau đó. Về nguyên tắc, EU không thể vay để thanh toán các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, thông qua các thủ tục kế toán, EU vẫn có thể cam kết thanh toán các khoản chi tiêu thông qua khoản thu từ những quốc gia thành viên trong tương lai.
Điều này có nghĩa là ngay cả sau năm 2020, EU vẫn phải tiếp tục thanh toán các khoản chi tiêu cam kết trong kế hoạch 7 năm hiện tại. Những hóa đơn chưa thanh toán này ước tính lên đến 254 tỉ euro vào cuối năm 2020. Trong đó, ước tính số tiền nước Anh phải trả có thể lên đến 20 tỉ euro.
Thứ hai, EU đang đối mặt các khoản nợ ước tính lên đến 67 tỉ euro vào cuối năm 2016 và muốn London gánh vác một phần số tiền này. Khi đó, Anh có thể phải chi thêm 30-40 tỉ euro, bên cạnh 20 tỉ euro phải trả trong quá trình chuyển tiếp.
Vấn đề là chính phủ Anh đang đối mặt những hạn chế chính trị trong việc chi trả những khoản tiền nêu trên. Ngoài ra, chính phủ bà May sẽ phải đương đầu phản ứng của công chúng liên quan đến những gì phải trả để bảo đảm Anh tiếp cận được thị trường EU thời hậu Brexit.
Các bộ trưởng Đảng Bảo thủ đang có rạn nứt sâu sắc về chuyện nên nhượng bộ EU bao nhiêu, đe dọa khiến đàm phán sụp đổ vào cuối năm nay.
Với rất nhiều sự tập trung dành cho diễn biến chính trị ở London, người ta dễ dàng quên đi thực tế rằng ngân sách EU sẽ phải đối mặt một tương lai khắc nghiệt ngay cả khi nhận được khoản tiền đáng kể từ vụ "ly hôn" Anh.
Thực tế, việc EU khăng khăng đòi nước Anh trả thêm tiền là dấu hiệu của những căng thẳng sẽ xảy ra sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. EU sẽ mất một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách khối này, vốn đứng thứ hai sau Đức vào năm 2015.
Những ai hy vọng sự hào phóng to lớn từ những nước giàu còn lại có thể sẽ thất vọng. Tuy nhiên, nếu các nước nghèo nhận được ít hơn, điều này sẽ khiến sự chia rẽ trong lòng EU - nổi lên rõ rệt suốt cuộc khủng hoảng đồng euro - thêm nghiêm trọng.
Thời điểm đó, các nước như Phần Lan không muốn đóng góp tiền cho các khoản giải cứu, trong khi một số quốc gia chịu cảnh thắt lưng buộc bụng.
Lúc này, EU có thể đang thống nhất để theo đuổi hóa đơn vụ Brexit. Thế nhưng, một khi Anh rời khỏi EU, các cuộc cãi vã vì tiền sẽ bắt đầu và nỗ lực xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn có thể gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Bình luận (0)