Nhiều năm nay, con người đã tuyển chọn loài vật và sử dụng chúng để tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ khác. Ngựa, voi và thậm chí cả chó đều đã được tuyển dụng cho chiến đấu. Hiện nay, cá heo đang được hải quân cả Nga lẫn Mỹ huấn luyện để phát hiện ngư lôi, tàu chiến của kẻ địch và phá hủy chúng. Từ đó, đã xuất hiện những biệt đội hiếm có gồm những chiến binh cá heo.
Sau hải cẩu và sư tử biển
Cổng thông tin Popmech.ru cho biết ý tưởng biến những con vật thuộc loài động vật có vú ngoài biển khơi này thành chiến binh đã xuất hiện ở Nga chứ chẳng phải nơi nào khác. Năm 1915, ông Vladimir Durov, một nhà huấn luyện loài vật, đã đệ trình lên Bộ Tổng Tham mưu Hải quân Nga yêu cầu sử dụng hải cẩu để vô hiệu hóa ngư lôi. Bộ Chiến tranh nước này quan tâm đến đề nghị trên và 20 con vật đã được huấn luyện trong suốt 3 tháng trời tại vịnh Balaklava ở biển Đen. Trong thời gian huấn luyện, chúng dễ dàng phát hiện dưới nước những quả mìn đối hạm và đánh dấu bằng những vật chuyên dụng. Thế nhưng, việc sử dụng hải cẩu trong các điều kiện chiến đấu đã không đạt yêu cầu.
Người Đức lo ngại trước sự xuất hiện của những biệt đội khác thường này và một hôm, vào ban đêm, tất cả mọi “lính công binh biển” này đều đã bị đầu độc. Tình báo quân đội bắt đầu điều tra tội ác đen tối này nhưng thật đáng tiếc, đã không đạt kết quả và vụ án cái chết của những “chiến sĩ” hải cẩu đã phải khép lại sau khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra. Tuy nhiên, thật không may, phần lớn tài liệu bí mật về công tác huấn luyện hải cẩu đã bị tiêu hủy.
Gần nửa thế kỷ sau, những sinh vật ngoài biển khơi đã lại được người Mỹ huấn luyện và sử dụng chúng vào các mục đích chiến đấu và đã đạt được những thành tích đáng kể. Cùng với hải cẩu và sư tử biển, người ta bắt đầu đưa cá heo tham gia các hoạt động quân sự dưới nước. Năm 1970, 6 con vật được huấn luyện tại căn cứ San Diego đã tham gia chiến dịch “Tìm kiếm thần tốc”. Chúng đã giúp bắt được hơn 50 kẻ phá hoại đang cố cài mìn từ vào boong các tàu chiến Mỹ. Hơn nữa, đã xảy ra những trường hợp các chiến binh sư tử biển đã tự tiêu diệt bọn phá hoại nhờ những mũi dao gắn vào mũi hoặc bằng những mũi kim tẩm thuốc độc.
Không muốn giết người
Rõ ràng, sự kiện trên đã khiến các chuyên gia Liên Xô quyết tâm phục hồi công việc huấn luyện những sinh vật biển. Năm 1967, bể nuôi chiến binh cá biển đầu tiên của Liên Xô đã được mở ở vịnh Kazachya tại Sevastopol với 50 con cá heo khổng lồ. Vào những năm 1970, hàng chục viện khoa học ở Liên Xô đã tham gia công việc này. “Người ta huấn luyện cá heo và hải cẩu theo một số hướng khác nhau: Bảo vệ và tuần tra, tiêu diệt những kẻ phá hoại, tìm kiếm và phát hiện các vật thể dưới nước” - huấn luyện viên quân sự chính tại bể nuôi cá ở Sevastopol, ông Vladimir Petrushin, kể.
Việc huấn luyện diễn ra theo các khuôn mẫu đã có sẵn từ lâu: hành động - củng cố. Người ta đã hình thành nơi những con vật này các thói quen cần thiết, chẳng hạn chúng được thưởng một con cá sau khi hoàn thành một bài tập. Ông Lev Mukhametov, người cai quản một nhóm cá heo ở Viện Nghiên cứu khoa học các vấn đề sinh thái và tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, kể: “Tôi đã có mặt tại các buổi huấn luyện khi cá heo thực tập tìm kiếm kẻ địch ở Sevastopol. Quang cảnh không thể quên được. Lối vào cảng ở đó rất hẹp, chỉ 700 m. Những con cá heo được đặt bên trong những chiếc lồng nằm trên bờ. Nhờ vào sóng siêu âm tự nhiên của mình, thậm chí khi đang ngồi trong chuồng khóa kín, những con cá heo khổng lồ vẫn có khả năng nhận thấy bất kỳ vật thể lạ nào bên dưới mặt nước ở khoảng cách nửa cây số. Sau khi phát hiện vật thể bơi dưới nước, chúng ấn vào một bàn đạp chuyên biệt; ngay tức khắc, một tên lửa bắn vọt lên và tín hiệu báo động vang lên. Sau đó, con vật dựng đứng lên, mũi hướng về vị trí của “vị khách không mời”. Kế tiếp, cá heo ấn vào một bàn đạp khác và cửa lồng mở tung ra; nó lao đến kẻ địch và vô hiệu hóa kẻ xâm phạm”.
Ông Mukhametov nói thêm: “Chúng tôi không dạy cá heo ở Sevastopol giết người. Nếu không, có thể một lúc nào đó chúng sẽ tấn công cả người phe ta. Vì thế, để đạt được mục đích khống chế kẻ địch, chúng chỉ giật cặp chân nhái, mặt nạ của người nhái đối phương và đẩy y lên mặt nước. Lúc đó, một chiếc ca nô tốc hành rời khỏi bờ để tóm gọn gã người nhái không may mắn”. Tuy nhiên, trong kho vũ khí của các biệt đội này vẫn có các phương tiện chiến đấu sát thương, như dao, kim tẩm chất độc và cả súng - được gắn vào mũi cá và hoạt động khi va chạm. Thế nhưng, như thực tế cho thấy, sau cuộc tấn công với kết cục chết người, các chiến binh cá heo thường trải qua tình trạng stress nặng nề và chúng thường ngầm làm hỏng các mệnh lệnh tiếp theo. Như thế, các câu chuyện huyền thoại về thiện ý của cá heo đối với con người đã xuất hiện chẳng phải là do ngẫu nhiên mà có.
Vì thế, cả các chuyên gia Liên Xô cũng như Mỹ đều đã cố gắng không đẩy sự việc đến tận cùng. Trong khi đó, sư tử biển và hải cẩu lại khác hẳn, chúng chẳng hề ngần ngại đâm những mũi kim tẩm thuốc độc vào con người.
Từ năm 1975, đội quân cá heo được đưa vào tình trạng trực chiến ở vịnh Sevastopol và cùng với một đơn vị đặc biệt thực hiện công tác tuần tra suốt ngày đêm, mỗi ca trực kéo dài 4 giờ. Thế nhưng, nhiệm vụ của các chiến binh cá heo không chỉ giới hạn ở việc phát hiện trinh sát của kẻ địch, chúng còn hoạt động như những lính biệt kích.
Không ai qua mặt được cá heo
Các chiến binh cá heo phát hiện được kẻ lạ bơi dưới nước trong 80% trường hợp khi chúng đang ở trong lồng trên bờ. Còn ở ngoài khơi, tỉ lệ phát hiện đạt gần đến mức 100%. Huấn luyện viên Vladimir Petrushin kể: “Không có cách nào lẩn trốn để thoát khỏi sự phát hiện của cá heo. Con người cũng không thể chiến đấu với cá heo ở dưới nước. Chúng tôi vẫn thường xuyên tiến hành tập trận với tình huống giả định có kẻ địch bơi vào vùng cấm và lúc đó chúng tôi thả cá heo ra. Kết cục là chưa một lần nào có ai chọc thủng phòng tuyến do cá heo bảo vệ”.
Kỳ tới: Những robot sinh học
Bình luận (0)