Mourad Fares, một người Pháp gốc Bắc Phi, được cho là nhà truyền giáo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS), chuyên tuyển mộ thanh thiếu niên Pháp qua trang mạng xã hội Facebook rồi cung cấp chiến binh thánh chiến ở chiến trường Syria. Những kẻ bị bắt ở TP Strasbourg đã đến Syria hồi tháng 12-2013.
Đặc biệt nguy hiểm
Hôm sau, 14-5, ở cách TP Strasbourg 3.500 km, Mourad Fares gõ bàn phím laptop, đưa lên Facebook một status ngắn gọn: “Chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra…”. Đầu tháng 8 vừa qua, Fares liên lạc với tòa đại sứ Pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ với ý định tự thú. Tới giữa tháng, chính quyền Istanbul bắt giữ Fares theo yêu cầu của Paris và trục xuất y về Pháp vào đêm 10 rạng sáng 11-9.
Fares bị nhân viên Lực lượng Tổng cục An ninh nội địa (DGSI) bắt tại sân bay Roissy, sau đó tạm giam để điều tra về hành vi dính líu đến tổ chức khủng bố gây tội ác ở Pháp và Syria, tài trợ và lãnh đạo một nhóm khủng bố. Đối với ông Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, đây là tin tốt lành bởi Fares là một “con cá lớn”, “một tên khủng bố đặc biệt nguy hiểm”.
Mourad Fares, năm nay 30 tuổi, sinh trưởng ở Thonon-les-Bains, tỉnh Haute-Savoie - Pháp. Y là con thứ năm trong một gia đình gốc Bắc Phi, quê quán ở Agadir, thủ phủ tỉnh Agadir Ida-Outanane, vùng Tây Nam Morocco.
Tốt nghiệp bằng tú tài khoa học loại giỏi, Fares đến Lyon học ngành quản lý khách sạn. Sau một chuyến hành hương ở thánh địa Mecca - Ả Rập Saudi, y đổi tên là Mourad Hadji và bắt đầu sản xuất video kêu gọi thánh chiến, theo tờ Le Nouvel Observateur.
Trong các video này, nổi bật hơn hết là cuộn băng có tựa đề Al Mahdi và Khalifah (vua đạo Hồi) thứ hai dài 45 phút, thu hút 350.000 người xem, dự báo “Thánh Allah sắp tái thế ở Syria”. Một chuyên gia ở Bộ Nội vụ Pháp tin rằng cuộn băng này đã tạo ra “một làn sóng theo thánh chiến trong thanh thiếu niên Pháp”.
Fares rời khỏi nước Pháp đến Syria hồi tháng 7-2013 với lý do “chiến tranh thế giới thứ ba chống Hồi giáo đã bắt đầu” như sau này y từng giải thích trên báo mạng Vice News hồi tháng 2-2014. Ảnh đại diện trên Facebook của Fares là một thanh niên râu ria rậm rạp sống ở Aleppo - Syria.
Vừa chân ướt chân ráo đến Syria, Fares gửi thông điệp cho bạn bè: “Vâng, tôi là một phần tử khủng bố. Tôi tự hào về điều này. Tôi đang làm theo mệnh lệnh tối cao của đấng Allah”. Cũng trên Facebook, khi thì dùng nickname Abu Hassan, lúc lại sử dụng tên Mourad Al-Faransi (Mourad người Pháp), Fares hăng hái tuyên truyền thánh chiến ở Syria, kêu gọi thanh niên Hồi giáo ở Pháp tham gia.
Phương pháp tuyển quân của Fares khá đơn giản nhưng hiệu quả. Trang Facebook của y được nhiều người theo dõi, ngưỡng mộ. Những người này được Fares tiếp cận và tuyên truyền, dụ dỗ riêng từng trường hợp. Họ được mời gia nhập phong trào thánh chiến với những lời hứa hẹn có cánh. Ai chấp nhận thì đến Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ có người đón tiếp đàng hoàng. Tại Reyhanli, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, có hẳn một “trung tâm quá cảnh” đặt trong một khách sạn kín đáo. Từ đây, Fares tổ chức từng nhóm nhỏ đưa qua biên giới.
Thà ở tù còn hơn chết thảm
Tổ chức đầu tiên mà Mourad Fares tham gia là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và phương Đông (ISIL), tiền thân của IS. Về sau, thất vọng với “những tên du đãng IS”, Fares dẫn khoảng 60 chiến hữu đầu quân cho Jabhat Al-Nosra (JAN) - một chi nhánh chính thức của Al-Qaeda ở Syria, đối đầu với IS. Vẫn theo lời Fares, y là thủ lĩnh “đội chiến binh người Pháp” của JAN.
Tuy nhiên, các nguồn tin an ninh Pháp nghi ngờ vai trò chỉ huy tác chiến của Fares. Một nguồn tin đáng tin cậy xác định y làm ở khâu hậu cần và tuyên truyền thánh chiến của JAN. Chỉ bấy nhiêu thôi, đối với tình báo Pháp, Fares đã là một tên khủng bố rất nguy hiểm. Đặc biệt, trong số lính mới do Fares tuyển chọn, không ít người chỉ 15-16 tuổi. Nguồn tin này cũng cho biết thủ lĩnh thật sự của đội là một công dân Thụy Sĩ gốc Algeria mang bí danh Abou Suleyman Suissery.
Fares tính việc trở về Pháp hồi đầu tháng 8-2014 sau khi IS đánh bật JAN ra khỏi Syria dẫn đến việc tan rã của chi nhánh Al-Qaeda này. Đây là lý do Fares rời khỏi Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ tìm đường về nước dù biết rõ có thể lãnh án 15-20 năm tù nhưng thà như vậy còn hơn bị IS trả thù với một cái chết thảm khốc - theo lời Mohamed, anh trai Fares, phát biểu trên đài phát thanh France Info. “Chính em tôi đã gọi đến tòa đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ ý muốn hồi hương, nói cách khác là đầu thú” - Mohamed kể.
Theo ông Mohamed, Fares chỉ là một “con cá nhỏ”. Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố Pháp lại nghĩ khác. Nhiều ví dụ cụ thể cho thấy Fares là một phần tử hết sức nguy hiểm. Nhật báo Le Temps (Thụy Sĩ) dẫn lời một người đàn ông có em gái 16 tuổi bị Fares dụ dỗ sang Syria phục vụ IS cho biết ông đã đến tận nơi hồi tháng 4 vừa qua và nghe được một chuyện thương tâm. Fares từng ép cô lấy một thành viên IS mắc bệnh tâm thần nhưng không thành. Dù vậy, ông cũng không cứu được em gái mình.
Chuyển “lửa” về quê hương
Theo nghị sĩ Sébastien Pietrasata thuộc Đảng Xã hội Pháp, khoảng 1.000 thanh niên Pháp đã tình nguyện đến Syria và Iraq để tiến hành thánh chiến theo lời kêu gọi của IS và Al-Qaeda. Khoảng 100 người trong số này đã bí mật trở về Pháp từ chiến trường Syria. Ông Pietrasata nhấn mạnh 52 người đã bị bắt, một số đang bị theo dõi chặt chẽ vì họ có thể tiến hành những vụ tấn công khủng bố ở Pháp theo kiểu chuyển “lửa” về quê hương.
Ông Pietrasata là người phát ngôn của nhóm nghị sĩ soạn thảo dự luật Chống khủng bố vừa được Quốc hội Pháp thông qua hôm 16-9. Theo đó, tòa án có quyền tịch thu hộ chiếu và giấy căn cước của những công dân Pháp xuất cảnh để “tham gia các hoạt động khủng bố, phạm tội ác chiến tranh hoặc chống nhân loại”.
Bình luận (0)