Theo nguồn tin trên, máy bay chiến đấu Trung Quốc tiếp cận quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông hơn 3 lần trong phạm vi 50 km kể từ cuối tháng 5. Không quân thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (ASDF) sau đó điều chiến đấu cơ theo dõi sát tình hình.
Nguồn tin khẳng định hành động của máy bay Trung Quốc là “bất thường” khi bay quá gần không phận Nhật Bản.
Từ tháng 4-6, máy bay Trung Quốc đã tiếp cận không phận Nhật Bản với số lần cao kỷ lục, tổng cộng 199 lần so với 198 lần/3 tháng trước đó. Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong sách trắng quốc phòng công bố hồi tháng này chỉ trích hành động đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông bằng vũ lực của Trung Quốc.
Kunio Orita, cựu Giám đốc Bộ Tư lệnh hỗ trợ không quân Nhật Bản, cuối tháng 6 cho biết một máy bay của ASDF từng bị chiến đấu cơ Trung Quốc “khóa mục tiêu. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản phủ nhận thông tin này.
Ngoài phản ứng việc Bắc Kinh tiếp cận không phận, Tokyo còn lo ngại nhiều tàu hải quân Trung Quốc di chuyển trong và xung quanh lãnh hải Nhật Bản ở biển Hoa Đông, bao gồm cả khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc lên án các chuyến thăm của một số thành viên trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe tới đền Yasukuni ở Tokyo – được xem là nơi vinh danh tội phạm chiến tranh.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc tuần trước kêu gọi công dân mình giữ an toàn, trong bối cảnh nhiều người Nhật Bản bị gây phiền hà tại Trung Quốc. Dù vậy, chưa có dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình chống Nhật dữ dội năm 2012 sẽ tái phát.
Không chỉ tăm tia quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn nhòm ngó bãi cạn Scarborough do Philippines tuyên bố kiểm soát (nhưng bị Bắc Kinh chiếm từ năm 2012).
Theo một nguồn thạo tin Trung Quốc sẽ không cải tạo Scarborough trước Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức ở TP Hàng Châu vào tháng tới nhưng có thể bắt đầu quá trình xây dựng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8-11-2016.
“Tổng thống Barack Obama lúc đó phải tập trung vào các vấn đề trong nước nên có thể không có thời gian để quan tâm các vấn đề an ninh khu vực” – nguồn tin nói với tờ SCMP.
Tuần trước, phát ngôn viên không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Shen Jinke xác nhận Bắc Kinh đã huy động máy bay ném bom H-6K và chiến đấu cơ Su-30 tuần tra trong khu vực, bao gồm bãi cạn Scarborough.
Nếu Trung Quốc thiết lập tiền đồn quân sự ở bãi cạn này, họ sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng không quân thêm ít nhất 1.000 km, đồng thời giữ khoảng cách lý tưởng với đảo Luzon, cửa ngõ vào Thái Bình Dương.
Nguồn tin cũng lưu ý Trung Quốc có thể xây dựng một đường băng trên bãi cạn và thiết lập hệ thống cảnh báo sớm ở bãi ngầm Macclesfield, phía Đông quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Làm như vậy sẽ cho phép Trung Quốc “để mắt” tới căn cứ hải quân Mỹ tại đảo Guam, nhất là sau khi Mỹ quyết định thay máy bay ném bom B-52 ở Guam bằng máy bay B-1 tân tiến hơn.
Bình luận (0)