Nước Nga đang nhức nhối vì nạn tham nhũng. Số liệu mới nhất được Viện Công tố Liên bang Nga đưa ra hồi đầu tháng 11 khiến dư luận trong và ngoài nước giật mình: Lượng tiền tham nhũng trong phạm vi nước Nga lên tới 240 tỉ USD/năm, tức hơn 15% GDP của nước này. Năm 2006, Điện Kremlin tiếp tục xắn tay áo bài trừ quốc nạn, mở màn bằng việc cách chức Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Vladimir Ustinov hồi tháng 6. Người thay thế là ông Yuri Chaika.
Ăn vụ nào đậm vụ đó
Tham nhũng, hối lộ ở Nga đang biến tướng dưới rất nhiều hình thức. Nhập học cho con cái, lấy bằng lái xe, khám chữa bệnh... , là những cơ hội để ăn hối lộ. Nhiều doanh nhân Nga cho biết khoảng 10% lợi nhuận họ kiếm được được dùng để bôi trơn. Cuối năm ngoái, sau khi tổ chức khảo sát, Viện Indem - Nga kết luận: Số tiền đưa - nhận hối lộ giữa khối doanh nghiệp và cảnh sát; giữa người dân và các cơ quan cấp phép; giữa các tổ chức, doanh nghiệp và những thanh tra viên trong năm 2005 tăng gấp 10 lần so với năm 2001.
Đáng chú ý là, cũng theo Viện Indem, số vụ đưa - nhận hối lộ tuy giảm nhiều, nhưng số tiền lót tay trung bình lại tăng rất cao: năm 2001 nếu mức trung bình của một vụ hối lộ là 5.800 bảng thì năm 2005, con số này tăng đến 77.000 bảng. Theo ông Alexander Buksman, viện phó Viện Công tố liên bang, qua những số liệu trên có thể nhận diện “xu hướng tham nhũng” mới ở Nga, đó là “ăn” vụ nào đậm vụ đó, trong đó, đấu thầu xây dựng là một lĩnh vực nổi tiếng về số lượng vụ tham nhũng.
![]() |
TT Putin (giữa) và Yuri Chaika, tân Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Nga (bìa phải) |
Thách thức lớn đối với các cơ quan chống tham nhũng ở Nga là tình trạng móc nối giữa tội phạm kinh tế với một bộ phận quan chức chính quyền suy thoái. Viện phó Alexander Buksman thừa nhận rằng nhiều quan chức nhà nước có phần hùn, hoặc được chia cổ phiếu ưu đãi từ các công ty ăn nên làm ra.
“Tại một số địa phương, cán bộ công chức còn lập ra các đơn vị kinh doanh trực thuộc, núp bóng để làm ăn”, ông Buksman nói. Ví dụ, người đứng đầu cơ quan thanh tra, kiểm soát săn bắn động vật tại vùng miền núi Altai đã lợi dụng chức vụ, mở ra một công ty lữ hành chuyên tổ chức các tour du ngoạn kết hợp... săn bắn, bị cơ quan pháp luật Nga phát hiện, truy tố.
Điển hình trong số quan tham khét tiếng ăn bạo là vị phó giám đốc chi nhánh Quỹ Công sản vùng Krasnodar. Ông này đã đút túi 410.000 USD (hơn 6,5 tỉ VNĐ) từ các thương vụ mua bán, chuyển nhượng tài sản bất hợp pháp, cũng như móc nối với các doanh nghiệp để moi móc tài sản nhà nước. Vụ này hiện đang được mở rộng điều tra và trong số các cán bộ cao cấp có liên quan, không chỉ có mỗi ông phó giám đốc trên.
Lật lại các vụ án cũ
Kể từ khi lên nắm chức lãnh đạo cao nhất nước Nga vào ngày 31-12-1999 đến nay, TT Vladimir Putin luôn xem chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm làm trong sạch bộ máy công chức và xã hội. Chiến dịch chống “tội phạm đeo quân hàm” cách đây 3 năm với hàng loạt sĩ quan, trong đó có hai người mang quân hàm cấp tướng, bị truy tố, sau đó lãnh án tù, đã thể hiện chủ trương sắt đá của TT.
Nước Nga qua hai nhiệm kỳ của TT Putin đã chuyển mình rõ nét về kinh tế - xã hội, đẩy lùi tình trạng ảm đạm và nay đã vươn lên mạnh mẽ về nhiều mặt. Song hành cùng sự bùng nổ kinh tế là những chuyển biến phức tạp của tội phạm cũng như sự biến chất của bộ phận không nhỏ cán bộ nhiều cấp. “Bàn tay sắt” chống tham nhũng của Điện Kremlin tiếp tục vung lên...
Sau vụ truất phế Viện trưởng Viện Công tố Liên bang Vladimir Ustinov vì kém hiệu quả trong các chiến dịch tẩy trừ tham nhũng, mới đây nhất, một “vụ án trong ngăn kéo” khác đã được lật lại. Đó là vụ án trốn thuế hàng triệu USD tại Công ty Kinh doanh gỗ Grand. Trong một thời gian dài, vụ án được giao cho Viện phó Viện Công tố Vasili Kolmogorov thụ lý nhưng chìm xuồng, khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Khi ông Yuri Chaika lên nắm quyền lực tối cao tại viện này, vụ án trên và một số nghi án liên quan đến các công ty nhập khẩu đồ gỗ đã được lật lại, hoặc phục hồi điều tra. Nhiều bộ, ngành quan trọng đã dính chấu. Điều đó giải thích vì sao vụ án bị bế tắc trong nhiều năm. Kết cục, ít nhất 19 quan chức cao cấp thuộc các bộ, ngành nói trên bị cách chức, 5 lãnh đạo của các công ty đồ gỗ bị khởi tố.
Mới đây, kết quả khảo sát tình trạng tham nhũng tại 163 nước của Tổ chức Minh bạch Thế giới đã xếp Nga ở vị trí thứ 121. Kết quả này một phần phản ánh tình hình nước Nga hiện nay. Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Putin một lần nữa được tái khẳng định bằng sự chỉ đạo quyết liệt điều tra vụ án Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Andrei Kozlov bị ám sát hồi giữa tháng 9. Trong cuộc đối thoại trực tiếp qua truyền hình với công chúng vào ngày 25-9 vừa qua, TT Putin hứa: Vụ này đang được điều tra, một số nghi can đã bị bắt giữ, bọn tội phạm sẽ bị lôi ra ánh sáng trong thời gian sớm nhất.
Công chức nghèo ở biệt thự triệu phú Theo Viện phó Viện Công tố Liên bang Nga, ông Alexander Buksman, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2006, các cơ quan pháp luật Nga đã phát hiện và xử lý 28.000 vụ tham nhũng, 1/3 số này liên quan tới cán bộ công chức ăn hối lộ. Một bộ phận không nhỏ quan chức cấp cao đã giàu lên nhanh chóng bằng thu nhập bất chính. Ông Buksman cho biết nhiều cán bộ công chức bậc trung giờ đây đã tậu cho mình một căn hộ rộng tới 200 m2 ở thủ đô Moscow. Theo tạp chí Rossiyskaya Gazeta (Nga), giá đất ở trung tâm Moscow hiện nay là 4.187,5 USD/m2 (khoảng 67 triệu VNĐ); một căn hộ tại đây có giá chừng 812.000 USD (khoảng 13 tỉ VNĐ). Trong khi đó, mức lương của cán bộ công chức ở Nga khá thấp (so với nhiều nước châu Âu), ngay cả quan chức cấp cao thu nhập không quá 1.937 USD/tháng (31 triệu VNĐ). Tính ra, để có được căn hộ sang trọng trên, một quan chức cấp cao Nga phải dùng tới thu nhập (chính đáng) của mình trong suốt... 35 năm làm việc mới có thể sắm nổi. Vậy nguồn tiền trên ở đâu ra, nếu không “ăn bẩn”? |
Bình luận (0)