xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chiến lược ngoại giao bẫy nợ

ĐỖ QUYÊN

Gánh nặng nợ nần trên vai các nước nhỏ càng chồng chất thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng lớn mạnh

Để cấn trừ khoản nợ hơn 1 tỉ USD cho Trung Quốc, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 12-2017 đã để 1 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương tới 99 năm.

Nguy cơ đổ nợ

Nay, Djibouti cũng là nạn nhân mới nhất rơi vào cái gọi là chiến lược ngoại giao bẫy nợ của nền kinh tế số 2 thế giới.

Chính quyền quốc gia ven biển vốn là nơi đặt một căn cứ quân sự của Mỹ, vừa kết thúc hợp đồng cho thuê cảng với Tập đoàn DP World của Dubai. Các nghị sĩ Mỹ tuyên bố họ đã nắm trong tay những báo cáo cho thấy Djibouti lấy lại cảng để "tặng" Trung Quốc. Bắc Kinh đã xây dựng tại Djibouti một căn cứ quân sự, chỉ cách căn cứ Mỹ vài km.

Theo Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD), Djibouti đang nằm trong số 8 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất trước những khoản đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1.000 tỉ USD của Bắc Kinh. Bảy "nạn nhân" còn lại gồm có: Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan.

Chiến lược ngoại giao bẫy nợ - Ảnh 1.

Người dân ở Sri Lanka biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng khu công nghiệp của Trung Quốc tại nước này tháng 1-2017 Ảnh: AP

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến công du châu Phi hồi tháng 3 đã thẳng thừng nói rằng Trung Quốc khuyến khích sự phụ thuộc bằng các hợp đồng mập mờ, cho vay kiểu săn mồi và các thỏa thuận tham nhũng; đẩy các nước sa lầy vào nợ nần và hạ thấp chủ quyền, từ bỏ tăng trưởng bền vững và dài hạn.

Theo giải thích của trang Quartz (Mỹ), "ngoại giao bẫy nợ" là cung cấp các khoản cho vay cơ sở hạ tầng rẻ nhưng bi kịch vỡ nợ chực chờ nếu các nền kinh tế nhỏ hơn không thể tạo ra đủ tiền trả lãi. Ở Sri Lanka, các công trình mọc lên từ núi nợ Trung Quốc như vậy có thể kể đến hải cảng Hambantota - hay được gọi là cảng không tàu, sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa - được mệnh danh là sân bay vắng vẻ nhất thế giới và một sân thi đấu cricket hoành tráng gần nhưng bỏ không. 

Tất cả các công trình này - giới kinh doanh gọi là dự án "bạch tạng" - đều không hiệu quả, không tạo ra lợi nhuận để thanh toán lãi vay. Từ đó, lãi mẹ đẻ lãi con và các nước vướng vào đầu tư của Trung Quốc rơi vào một vòng luẩn quẩn.

Khó tìm lối thoát

Cảng nước sâu Gwadar của Pakistan trên bờ vịnh Oman nằm trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) vốn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là dự án thế kỷ thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng trong cảnh ngộ ế ẩm tương tự.

Chuyên gia Brahma Chellaney, nhà phân tích Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi của Ấn Độ, trong một bài bình luận trên trang Project Syndicate cho rằng về phía Trung Quốc, các dự án "bạch tạng" đang hoạt động đúng như ý muốn của họ: Các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã 2 lần neo đậu ở các cảng của Sri Lanka. Bên cạnh đó, 2 tàu chiến của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động bảo đảm an ninh cho cảng Gwadar sau khi Bắc Kinh đạt được hợp đồng thuê cảng nước sâu nằm trên bờ vịnh Oman của Pakistan (gần eo biển Hormuz của Iran) trong vòng 40 năm hồi năm 2017.

Theo vị chuyên gia, các dự án hoạt động không suôn sẻ thậm chí lại tốt hơn cho Bắc Kinh. Sau cùng, gánh nặng nợ nần trên vai các nước nhỏ càng chồng chất thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng lớn mạnh. "Trung Quốc đang sử dụng nợ công để uốn nắn các nước khác theo ý muốn của họ" - ông Chellaney viết. Bắc Kinh cũng được cho là đã sử dụng chiến lược đó để gây áp lực lên Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan; cản đường ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc theo đuổi các yêu sách lãnh thổ sai trái trên biển Đông.

Một số quốc gia sa lầy vì nợ Trung Quốc đang buộc phải bán cổ phần trong các dự án do nước này tài trợ hoặc chuyển giao quyền quản lý cho các doanh nghiệp nhà nước của "chủ nợ". Ở các nước rủi ro tài chính cao, Trung Quốc nay yêu cầu quyền sở hữu đa số ngay từ đầu. Chẳng hạn, nước này vừa ký thỏa thuận vào tháng 1-2017 với Nepal nhằm xây dựng một con đập nữa ở đây, trong đó Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc do nhà nước sở hữu, nắm 75% cổ phần. 

Để đổi lấy việc giãn hạn trả nợ, Trung Quốc đòi hỏi các nước trao cho họ các hợp đồng dự án bổ sung. Từ lúc này, cơn ác mộng khủng hoảng nợ sẽ kéo dài bất tận. Tháng 10-2017, Trung Quốc xóa khoản nợ 90 triệu USD cho Campuchia, chỉ để giành thêm các hợp đồng khổng lồ mới.

Theo chuyên gia Chellaney, một số nền kinh tế đang phát triển bắt đầu hối tiếc vì lỡ gật đầu với đầu tư Trung Quốc. Các cuộc biểu tình bùng phát vì tình trạng thất nghiệp tràn lan được cho là xuất phát từ việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc khiến ngành sản xuất địa phương bị bóp nghẹt. Sự bất bình còn trầm trọng hơn bởi Trung Quốc đưa lao động của mình tới các dự án nước ngoài.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc - vốn đang tìm kiếm một vị trí được tôn trọng hơn trên toàn cầu - nên đưa các nước khác vào các chương trình đầu tư rõ ràng để phân chia nợ một cách bình đẳng hơn, cũng như áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ và minh bạch hơn về việc họ đang hỗ trợ một cách bền vững cho các nền kinh tế đang phát triển ra sao. 

Một số nước đã không chờ đợi tới khi Trung Quốc hành động. Pakistan quyết định rút lui khỏi một dự án thủy điện có vốn đầu tư tới 14 tỉ USD nằm trong Hành lang CPEC hồi tháng 12-2017, sau các cảnh báo quyết liệt từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, quyết định gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "treo lại" các khoản viện trợ cho Pakistan đang làm gia tăng lo ngại Islamabad sẽ lại bị đẩy về vòng tay của Bắc Kinh! 

Bật đèn xanh

Cơ quan đầu tư nhà nước Sri Lanka cuối tuần rồi đã phê duyệt dự án nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 500 triệu USD của Công ty Machinery Engineering Trung Quốc gần hải cảng Hambantota.

Động thái trên diễn ra giữa lúc nhiều lo ngại đang nổi lên từ sự kiểm soát của Trung Quốc với cảng Hambantota, cũng như kế hoạch thâu tóm một khu vực khoảng 6.000 ha để xây dựng một khu công nghiệp lớn bên cạnh, tạo thành một "bàn đạp" chính trong chương trình Con đường Tơ lụa trên biển vươn tới châu Phi và châu Âu. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin chính phủ và ngoại giao nói rằng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản quan ngại Trung Quốc có thể dùng hải cảng ở vị trí chiến lược của Sri Lanka làm căn cứ hải quân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-5

Kỳ tới: Chiến dịch cánh tay nối dài

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo