Đại tá Muammar Gaddafi sẵn sàng từ bỏ quyền lực với điều kiện ông ta và gia đình được bảo đảm quyền miễn tố - hãng tin Nga RIA Novosti dẫn thông tin từ báo Ả Rập Al Sharq Al Awsat hôm 29-5.
Nhóm lính tình nguyện trẻ Libya tham gia luyện tập quân sự tại một trại huấn luyện trước khi ra trận. Ảnh: AFP
Con trai ông Gaddafi là Saif al-Islam hiện đứng đầu một nhóm các quan chức chính phủ đang cố tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya mà tâm điểm là sự ra đi trong nhân phẩm của cha ông.
Cũng theo tờ báo này, ông Gaddafi và các cộng sự đã nhiều lần phản đối ý tưởng từ chức của nhà lãnh đạo Libya. Tuy nhiên, qua các kênh thông tin chưa được xác minh, những vấn đề này đang được thảo luận.
Hãng tin RIA Novosti nói ông Gaddafi quan tâm đến việc rời bỏ chức vụ tổng thống mà vẫn giữ được nhân phẩm, ngụ ý cả ông và gia đình không bị khởi tố. Ông cũng đang tìm cách thoát khỏi sự miễn tố của quốc tế.
Tuy nhiên, trong nội bộ gia đình và những người thân cận của ông Gaddafi không có thỏa thuận nào về vấn đề này. Một số người nói rằng ông Gaddafi phải tiếp tục chiến đấu đến cùng, còn những người khác nghĩ rằng đã đến lúc ông ra đi.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, quân nổi dậy Libya hoan nghênh G8 - nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu - đã kêu gọi ông Gaddafi ra đi trước chuyến thăm Tripoli của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hôm 30-5. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nam Phi nhằm tập trung thảo luận về “chiến lược ra đi” cho ông Gaddafi.
“Toàn thế giới đã đồng tình rằng đại tá Gaddafi và cách thức cai trị của ông ấy không chỉ không còn hợp pháp mà còn mất sự tín nhiệm” - thủ lĩnh Mustafa Abdul Jalil nói trong một tuyên bố từ căn cứ nổi dậy Benghazi.
Trước đó, hôm 27-5, lãnh đạo các nước G8 là Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga và Mỹ đã kêu gọi ông Gaddafi từ chức sau khi những cuộc chống đối ủng hộ dân chủ đã trở thành cuộc nổi dậy chính thức.
Lên tiếng phản ứng, chính quyền Libya nói rằng bất cứ hành động nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng sẽ phải thông qua Liên minh châu Phi (AU).
Thứ trưởng Ngoại giao Libya Khaled Kaaim cũng khẳng định có chuyến thăm Tripoli của Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nhưng không cho biết sự ra đi của ông Gaddafi có được thảo luận hay không.
Một nguồn tin giấu tên từ văn phòng ông Zuma hôm 25-5 nói rằng “mục đích chuyến thăm là để thảo luận một kế hoạch ra đi cho ông Gaddafi”, trong khi một nguồn tin khác nói Nam Phi đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch này.
Zizi Kodwa, người phát ngôn của Tổng thống Zuma, cho rằng việc thảo luận chiến lược ra đi là sai lầm và cho biết chuyến thăm sắp xảy ra mà không có tiếng nói của AU về Libya để thông qua những cải cách chính trị cần thiết nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng.
Trong một tuyên bố ngay hôm trước chuyến thăm của ông Zuma, Đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền đã chỉ trích mạnh mẽ các vụ không kích Libya của NATO.
Hai luật sư chuẩn bị khởi kiện Tổng thống Pháp
Hai luật sự Pháp, trong đó có cựu ngoại trưởng Roland Dumas, cho hãng tin AFP biết họ có kế hoạch bắt đầu tiến trình pháp lý chống lại Tổng thống Nicolas Sarkozy vì những tội ác chống loài người do chiến dịch quân sự của NATO ở Libya. Phát biểu tại thủ đô Tripoli, ông Dumas nói ông sẵn sàng biện hộ cho Tổng thống Gaddafi nếu ông ta bị dẫn độ đến Tòa án Tội phạm Chiến tranh The Hague (Hà Lan).
|
Bình luận (0)