Chưa đầy 1 giờ kể từ khi lệnh ngừng bắn thứ ba có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Azerbaijan khẳng định các lực lượng Armenia đã "vi phạm thỏa thuận nghiêm trọng" khi pháo kích thị trấn Terter cùng những khu vực lân cận. Tương tự, Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc quân đội Azerbaijan vi phạm lệnh ngừng bắn với các cuộc pháo kích nhằm vào nhiều khu vực ở tiền tuyến.
Trước đó, trong một tuyên bố chung vào ngày 25-10, Mỹ, Armenia và Azerbaijan cho biết lệnh ngừng bắn mới sẽ có hiệu lực vào lúc 8 giờ (giờ địa phương) ngày 26-10. "Chúc mừng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, những người vừa chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn mới. Nhiều sinh mạng sẽ được cứu sống" - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội Twitter.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp đón bộ trưởng ngoại giao Armenia và Azerbaijan trong các cuộc gặp riêng ở thủ đô Washington. Các cuộc gặp này còn có sự tham gia của các nước đồng chủ tịch của Nhóm Minsk OSCE, vốn được thành lập để hòa giải xung đột Armenia - Azerbaijan dưới sự dẫn dắt của Pháp, Nga và Mỹ. Sau cuộc gặp này, Nhóm Minsk OSCE cho biết các nước đồng chủ tịch của họ và các bộ trưởng ngoại giao đồng ý tiếp tục gặp tại TP Geneva - Thụy Sĩ vào ngày 29-10.
Lực lượng dự bị Armenia được huấn luyện tại một trường bắn gần TP Yerevan – Armenia hôm 25-10 Ảnh: Reuters
Một quan chức cấp cao vào thời điểm đó tự tin khẳng định rằng thỏa thuận ngừng bắn thứ ba do Washington xúc tiến sẽ tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, sự sụp đổ của 2 thỏa thuận trước đó cùng những diễn biến mới nhất đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến triển vọng của nỗ lực lần này trong việc mang lại hòa bình cho Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ thuộc Azerbaijan nhưng do người dân tộc thiểu số Armenia kiểm soát.
Các cuộc đụng độ mới nhất liên quan đến Nagorno-Karabakh nổ ra vào ngày 27-9 và nhanh chóng biến thành đợt giao tranh đẫm máu nhất kể từ những năm 1990, khi khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Cộng đồng quốc tế muốn ngăn chặn lửa xung đột lây lan diện rộng, bởi một cuộc chiến toàn diện có thể kéo theo sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Azerbaijan và Nga, quốc gia có hiệp ước quốc phòng với Armenia. Xung đột Armenia - Azerbaijan thời gian qua khiến căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho Azerbaijan nhưng Ankara đã phủ nhận cáo buộc này.
Tổng thống Aliyev khẳng định Armenia mới chính là quốc gia được nước ngoài viện trợ vũ khí và Azerbaijan có hàng loạt bằng chứng, bao gồm danh sách vũ khí cũng như dữ liệu về các chuyến bay vận chuyển. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisyan khẳng định Công ty Vệ tinh Maxar Technologies (Mỹ) đã phát hiện lượng chiến đấu cơ F-16 gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Gabala ở Azerbaijan. Theo ông Hovhannisyan, 6 chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện tại căn cứ này vào tuần trước.
Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng Bộ binh thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohamed Pakpur tuyên bố Iran đã triển khai binh sĩ dọc biên giới Armenia và Azerbaijan sau khi đạn từ Nagorno-Karabakh bay lạc sang lãnh thổ Iran.
Bình luận (0)