Xung đột quân sự tại Libya tiếp tục leo thang hôm 7-4 khi phe tự xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được cộng đồng quốc tế công nhận tiến hành không kích lẫn nhau. Theo trang Vox, lực lượng LNA - do tướng Khalifa Haftar đứng đầu - khơi mào bằng các cuộc không kích nhằm vào ngoại ô Tripoli, dẫn đến hành động đáp trả của GNA. Không dừng lại ở đó, đại tá Mohamed Gnounou, phát ngôn viên của GNA, cùng ngày thông báo tiến hành chiến dịch đáp trả quy mô toàn quốc có tên là "Núi lửa cuồng nộ" nhằm "trừng phạt các lực lượng bất hợp pháp" - ý nói đến LNA.
Chiến sự leo thang ở Libya bất chấp lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc ngừng bắn trong 2 giờ để hỗ trợ sơ tán dân thường và các binh sĩ bị thương. Bộ Y tế của GNA cùng ngày cho biết ít nhất 35 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra vào 4 ngày trước đó. Vốn chìm trong bạo lực và chia rẽ kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011, tình hình Libya trước đó đã trở nên phức tạp hơn từ khi tướng Haftar hôm 4-4 ra lệnh cho các tay súng LNA tiến đến thủ đô Tripoli - nơi đặt trụ sở của GNA.
Cao Lực
Chiến dịch quân sự của tướng Haftar diễn ra vào thời điểm Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thăm Libya để thúc đẩy tổ chức một hội nghị bàn về nỗ lực thống nhất các phe phái đối đầu và kế hoạch tổ chức bầu cử ở Libya. Đặc phái viên LHQ ở Libya Ghassan Salame hôm 6-4 tuyên bố LHQ vẫn "quyết tâm" giúp Libya tổ chức hội nghị nói trên, dự kiến diễn ra từ ngày 14-4 đến ngày 16-4.
Thủ tướng Fayez al-Sarraj của GNA đã cáo buộc tướng Haftar "phản bội" cam kết tháng 2 về việc tổ chức các cuộc bầu cử để thành lập một chính phủ thống nhất mới trước giai đoạn cuối năm 2019. Ngoài ra, ông Fayez còn cảnh báo về "một cuộc chiến không có kẻ thắng" trước khi tuyên bố quân tiếp viện đang đổ vào Tripoli để chống lại các lực lượng của tướng Haftar. Đến thời điểm hiện tại, dưới sự dẫn dắt của tướng Haftar, LNA kiểm soát phần lớn khu vực phía Đông của Libya. Ông Haftar phát động đợt tấn công mới nhất với mong muốn giành quyền kiểm soát Tripoli, qua đó thống nhất Libya dưới sự kiểm soát của mình.
Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi LNA ngừng chiến dịch đánh chiếm Tripoli để tránh gây thêm bất ổn cho Libya. Đến ngày 7-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington "quan ngại sâu sắc về giao tranh gần Tripoli", đồng thời kêu gọi các bên quay lại đàm phán để nhanh chóng xuống thang căng thẳng vì "không có giải pháp quân sự đối với xung đột Libya". "Chúng tôi đã nói rõ chúng tôi phản đối chiến dịch quân sự do lực lượng của ông Khalifa Haftar tiến hành. Chúng tôi kêu gọi ngừng ngay lập tức các chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô của Libya" - Ngoại trưởng Pompeo chia sẻ.
Tướng Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, trong một thông báo hôm 7-4 cho biết Washington đã "tạm thời rút" một phần binh sĩ nước này khỏi Libya vì "bất ổn gia tăng" tại đó. Đại tá Chris Karns, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Phi, khẳng định động thái trên không làm ảnh hưởng đến khả năng phản ứng đối với các mối đe dọa nhưng từ chối tiết lộ số lượng binh sĩ được đưa khỏi Libya và điểm đến của họ. Theo đài CNN, lực lượng Mỹ tại Libya có trách nhiệm hỗ trợ quân sự cho các sứ mệnh ngoại giao, chống khủng bố và cải thiện an ninh khu vực.
Bình luận (0)