Vừa thông qua dự luật trừng phạt Nga, Quốc hội Mỹ tiếp tục có bước đi mới đe dọa làm khó hơn nữa nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow của Tổng thống Donald Trump.
Khủng hoảng tồi tệ
Theo trang Politico, nội dung 2 dự luật quốc phòng mới ở thượng viện và hạ viện đều yêu cầu quân đội Mỹ bắt đầu phát triển tên lửa tầm trung hiện bị cấm bởi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô (cũ). Theo Dự luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) được hạ viện thông qua vào tháng rồi, một chương trình sẽ được thực thi để phát triển loại tên lửa nói trên. Trong khi đó, thượng viện sẽ sớm tranh luận về điều khoản tương tự trong phiên bản dự luật NDAA của riêng mình.
Những người ủng hộ gọi động thái trên là cần thiết vì cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên, những người phản đối lo ngại việc phát triển tên lửa tầm trung dẫn đến nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa Washington và Moscow. Dự luật NDAA của hạ viện kêu gọi phát triển tên lửa truyền thống, không phải tên lửa hạt nhân nhưng Hiệp ước INF lại không phân biệt giữa 2 loại này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau ở TP Hamburg - Đức hôm 7-7 Ảnh: REUTERS
Chưa hết, dự luật có thể gây thêm xung đột giữa các nghị sĩ và Tổng thống Donald Trump, nhất là sau khi ông chủ Nhà Trắng công khai chỉ trích dự luật trừng phạt Nga dù vẫn ký ban hành nó hôm 2-8 vì "sự đoàn kết quốc gia". Ông Donald Trump cáo buộc quốc hội can thiệp trái phép vào tiến trình xử lý mối quan hệ đối ngoại giữa chính quyền mình và Nga, trong lúc gọi luật trừng phạt có một số điều khoản vi hiến.
Cho dù ông chủ Nhà Trắng có muốn hay không thì luật trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ cũng đã có hiệu lực, đẩy quan hệ song phương lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ chiến tranh lạnh. Trong thời gian tới, không loại trừ khả năng Mỹ và Nga tiếp tục có những biện pháp trả đũa qua lại, như việc Moscow ra lệnh Washington giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao tại nước mình mới đây.
Hậu quả ngoài ý muốn
Giới phân tích lo ngại tình hình có thể thêm xấu bởi Nhà Trắng không có chiến lược rõ ràng, chặt chẽ trong việc xử lý mối quan hệ phức tạp với Moscow. Chưa hết, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Quốc hội và Tổng thống Donald Trump có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai giữa 2 cường quốc có vũ khí hạt nhân. "Nguy cơ rất thực là chúng ta có thể rơi vào một vòng xoáy leo thang mà cả 2 nước đều khó kiểm soát" - ông George Beebe, nhà phân tích tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ), cảnh báo với đài CNN.
Mặt khác, một số chuyên gia chỉ ra những hậu quả ngoài ý muốn của các biện pháp trừng phạt đối với đồng minh của Mỹ. Nhà phân tích quân sự Mike Lyons của đài CBS News nhận định cộng đồng quốc tế, nhất là Liên minh châu Âu (EU), rõ ràng không hài lòng chút nào với những hạn chế áp đặt lên những cá nhân, công ty muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn với Nga trong những dự án hạ tầng năng lượng lớn.
Bà Angela Stent, chuyên gia của Trường ĐH Georgetown (Mỹ), thậm chí cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Washington là "một chiến thắng" của Moscow. Viết trên tạp chí The National Interest (Mỹ), bà Stent giải thích luật mới sẽ "trừng phạt" cả công ty Mỹ và châu Âu vì những hạn chế nhằm vào dự án năng lượng có liên quan đến doanh nghiệp Nga. Sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ - EU là điều khó tránh nếu các công ty châu Âu bị tổn thất vì các biện pháp trừng phạt. Với Điện Kremlin, đây dĩ nhiên là tin tốt.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Mike Lyons, quan hệ Nga - Mỹ đang lạnh giá nhưng không có nghĩa là đã hoàn toàn "đóng băng", miễn là các kênh liên lạc không bị đóng sập lại. Đài CNN lưu ý đã có những dấu hiệu cho thấy cả hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đều có những động thái nhằm tránh kịch bản này xảy ra.
Chẳng hạn, ông chủ Điện Kremlin ra lệnh cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ trước khi luật trừng phạt được ký ban hành, tạo cảm giác ông muốn phản ứng lại hành động của các nhà lập pháp Mỹ hơn là ông chủ Nhà Trắng. Ngoài ra, Tổng thống Putin không lên tiếng công kích các biện pháp trừng phạt mới mà để Thủ tướng Dmitry Medvedev làm điều này. Ở chiều ngược lại, ông Donald Trump ký ban hành luật trừng phạt Moscow trong phòng kín và vẫn chưa có phản ứng gì với động thái cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ của tổng thống Nga.
Châu Âu phản đối
Phản ứng trước sự kiện Tổng thống Donald Trump ký ban hành đạo luật về lệnh trừng phạt mới chống Nga, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh đó là chính sách rất thiển cận và nguy hiểm, phá hoại sự ổn định toàn cầu.
"Không một mối đe dọa nào có thể buộc Nga thay đổi đường lối hoặc hy sinh lợi ích quốc gia" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định song cho hay Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong mọi lĩnh vực đem lại lợi ích cho Nga và an ninh thế giới, bao gồm việc giải quyết các cuộc xung đột khu vực. Hãng tin RIA Novosti quả quyết sự hợp tác chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu các chính khách ở Washington ngừng nhận thức thế giới qua lăng kính "độc quyền của Mỹ" và bóp méo hiện thực.
Bình luận về lệnh trừng phạt mới, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev viết trên mạng xã hội VKontakte: "Thứ nhất, lúc này đã hết hy vọng cải thiện mối quan hệ với tân chính quyền Mỹ. Thứ hai, nước Nga đã bị tuyên chiến một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo châu Âu sẽ có phản ứng thích đáng trong vòng vài ngày tới nếu lệnh trừng phạt mới chống Nga làm tổn hại quyền lợi của các doanh nghiệp châu Âu làm ăn với Nga. Theo kênh RT, ông Juncker giải thích lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), nhất là ở khu vực Baltic.
Quốc gia châu Âu phản đối mạnh nhất là Đức. Theo kênh CNSNews, Berlin thúc giục EU xem xét các biện pháp đáp trả Mỹ vì e ngại lệnh trừng phạt mới làm tổn hại quyền lợi kinh tế châu Âu, đặc biệt liên quan đến đường ống dẫn khí thiên nhiên Nord Stream 2 từ Nga sang Đức. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries đánh giá lệnh trừng phạt của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Đức và làm tổn hại mối quan hệ giữa Berlin và Washington. Bà Zypries cũng cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại "rất tồi tệ" giữa EU và Mỹ. Thêm vào đó, một cuộc thăm dò trong tháng 7 của Viện Forsa (Đức) cho thấy 77% người dân nước này cho rằng lệnh trừng phạt chống Nga là phương cách để Mỹ giành quyền làm ăn ở thị trường châu Âu.
Theo các nhà phân tích, EU có thể phản ứng bằng cách sử dụng "Đạo luật Ngăn chặn" để cản trở việc thực thi bất cứ quyết định nào của Mỹ ở EU hay kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mạnh hơn, Reuters cho rằng EU có thể "cấm làm ăn với một số công ty Mỹ nhất định".
LỤC SAN
Bình luận (0)