Công ty Công nghệ radio - điện tử (KRET - thuộc tập đoàn nhà nước Rostec) của Nga mới đây tiết lộ họ đang thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử mới có khả năng làm tê liệt các liên hệ dữ liệu quan trọng trong hoạt động tác chiến trên không. Hệ thống tối tân này có thể được tích hợp với các hệ thống phòng không tối tân của Nga như S-300V4 và S-400.
Bước tiến đáng kể của Moscow
Một nguồn tin từ KRET cho hãng thông tấn TASS của Nga biết hệ thống nói trên bao gồm các module phá sóng riêng biệt có khả năng tấn công hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương ở khoảng cách rất xa bằng các tín hiệu số phức tạp.
Ông Igor Nasenkov, Phó Tổng giám đốc của KRET, khẳng định: “Năng lượng, tần số, trí tuệ nhân tạo và nguồn lực của hệ thống được phân phối một cách tối ưu. Ngoài ra, tất cả các module đều được trang bị các biện pháp bảo vệ bởi chúng chính là mục tiêu tấn công của kẻ thù”.
Theo tạp chí National Interest (Mỹ), Washington không thể không thấp thỏm trước bước tiến đáng kể của Moscow khi sức mạnh không quân Mỹ đang phụ thuộc lớn vào hoạt động mạng lưới. Lầu Năm Góc vốn dùng các hệ thống mạng lưới, trong đó có Link-16, để kết nối các lực lượng trong tác chiến. Moscow được cho là đã theo dõi năng lực chiến đấu của Mỹ từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên và rút ra nhiều bài học qua các cuộc xung đột đó.
“Nga nắm được bước đi của chúng ta. Họ đã đầu tư mạnh vào chiến tranh điện tử bởi biết hoạt động kết nối của chúng ta nên tìm cách hủy hoại sự kết nối đó” - tướng Philip Breedlove, chỉ huy Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, nhấn mạnh trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hồi tháng 2. Ông Breedlove cũng thừa nhận Lầu Năm Góc đã xao nhãng trong hoạt động chiến tranh điện tử suốt 2 thập kỷ qua khiến Kremlin âm thầm giành lợi thế.
Theo tạp chí The Diplomat, dù từ lâu đã bị coi là một cường quốc đang mất phong độ nhưng quân đội Nga dưới thời của Tổng thống Vladimir Putin vẫn không ngừng hiện đại hóa và đạt được những tiến bộ khiến cả Washington cũng phải ghen tị.
Ông chủ Điện Kremlin đã đổ tiền vào chương trình hiện đại hóa quân sự này hàng tỉ USD nhờ doanh thu từ dầu mỏ giai đoạn 2004-2014 khi giá loại nhiên liệu chưa tụt dốc. Các nỗ lực đó đã mang lại những cải thiện ấn tượng về vũ khí, đặc biệt là năng lực do thám tín hiệu (SIGINT) và chiến tranh điện tử (EW) của Nga.
Mỹ trở lại cuộc đua
Những lợi thế này đã được phô diễn gần nhất trên các mặt trận ở Syria và Ukraine. Tại Syria, Nga đã triển khai công nghệ tình báo điện tử (ELINT) và máy bay SIGINT, như Il-20 (phiên bản máy bay được cho là đối thủ của P-3 Orion của Mỹ) và Tu-214R. Trong khi ở Ukraine, Nga được cho là thống trị không gian thông tin thông qua sự hợp sức của các chuyên gia mạng bằng cách tận dụng kiểu tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) và xâm nhập mạng quân đội Ukraine cũng như các đơn vị chống do thám.
Chiến đấu cơ Il-20 được trang bị mạng cảm biến, ăng-ten, radar và thiết bị truyền thông vệ tinh để chia sẻ dữ liệu ngay tại chỗ. Phiên bản máy bay (biệt danh “Chim sâm cầm”) vốn được sử dụng ở Baltic để do thám NATO. Cũng có tin đồn là nó đã được triển khai tới Syria.
Không những có thể thu thập thông tin liên lạc của kẻ thù, Il-20 còn có thể định vị những nơi tập kết của các chiến đấu cơ đối phương. Trong khi đó, máy bay do thám mới nhất của Nga Tu-214R - một chiếc đã được phát hiện tại Syria, có thể chặn các tín hiệu từ điện thoại cầm tay, máy bay, các thiết bị quân sự, radio… Điều này giúp tìm ra vị trí của đối phương cũng như xác định được năng lực điện tử của kẻ thù.
Giới quan sát cho rằng không quân Mỹ đã lơ là trên mặt trận tác chiến điện tử bởi quá chú tâm vào công nghệ tàng hình. Tình hình không có gì khả quan hơn ở bên lục quân dù có cả một bộ phận chuyên biệt được gọi là Sư đoàn Chiến tranh điện tử.
Trung tá Gregory Griffin, người đứng đầu bộ phận các chương trình và yêu cầu của sư đoàn này, hồi năm 2015 từng tiết lộ lục quân Mỹ có tổng cộng 813 chuyên viên về tác chiến điện tử nhưng chủ yếu nắm lý thuyết. Trong doanh trại, các binh sĩ này thường được bố trí công việc khác, khiến cho tác chiến điện tử (EW) được nói đùa là chữ viết tắt của “nhân viên phụ” (extra worker).
Tuy nhiên, hải quân nước này vẫn còn chút vớt vát bằng lực lượng tấn công điện tử trên không với máy bay Boeing EA-18G Growler. Phiên bản máy bay mới này vẫn sẽ phụ thuộc vào hệ thống gây nhiễu tín hiệu cũ kỹ ALQ-99 cho tới khi phiên bản thế hệ mới Raytheon đi vào hoạt động vào năm 2021.
Tuy vậy, Mỹ cũng đang nỗ lực quay lại với cuộc đua mà họ đã lỡ nhịp này. Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc tuyên bố phát triển hệ thống mới có thể khiến radar Nga bị mù. Theo đó, các loại máy bay tàng hình thế hệ mới của Mỹ hiện nay như F-22, F-35 đang được phát triển hệ thống tác chiến điện tử có trí thông minh nhân tạo có khả năng nhận dạng, phân tích các dạng sóng radar của đối phương để đề ra biện pháp gây nhiễu thích hợp cho máy bay trong thời gian ngắn.
Châu Á - Thái Bình Dương chi tiền nhiều nhất
Theo trang Military của Mỹ, nghiên cứu mới công bố hồi tháng 6 của Công ty Khảo sát thị trường toàn cầu Markets and Markets (Mỹ) cho thấy thị trường thiết bị tác chiến điện tử sẽ cán mốc 25,36 tỉ USD vào năm 2021.
Trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng của các quốc gia khó thể gia tăng, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm đối với mặt hàng chiến tranh điện tử từ 2016-2021 vẫn được dự báo sẽ tăng khoảng 4,29%.
Sự tăng trưởng này chủ yếu do sự gia tăng các cuộc chiến cũng như xung đột xuyên quốc gia khiến nhu cầu về các công nghệ tác chiến điện tử gia tăng. Dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tỉ lệ tăng chi tiêu cao nhất trên thị trường thiết bị tác chiến điện tử trong thời gian nói trên, trong khi giữ vị trí này hiện tại là khu vực Bắc Mỹ.
Kỳ tới: Trung Quốc cũng chạy đua
Bình luận (0)