Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), hôm 26-4 cho biết nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã đến vị trí đủ để bắn tới Triều Tiên khi cần.
Tăng tốc triển khai THAAD
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, tư lệnh Harris cũng khẳng định hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ vận hành trong những ngày tới để bảo vệ Hàn Quốc tốt hơn thay vì phải đến cuối năm nay như kế hoạch ban đầu. Không dừng lại ở đó, Đô đốc Harris nhấn mạnh Washington cần tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, nhất là tại bang Hawaii, trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc Trung ương Đoàn Thanh niên Kimilsungist-Kimjongilist của Triều Tiên cảnh báo sẵn sàng “xóa sổ” Mỹ và Hàn Quốc bằng “5 triệu quả bom nguyên tử”. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 26-4 dẫn lời một người phát ngôn của tổ chức nêu trên đe dọa Bình Nhưỡng sẽ phá hủy Mỹ và Hàn Quốc nếu 2 nước này có những hành động khiêu khích dù là nhỏ nhất.
Cùng ngày, một quan chức Triều Tiên trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với đài CNN đã tuyên bố các vụ thử hạt nhân của nước này sẽ “không bao giờ chấm dứt” cho tới khi Mỹ ngừng “những hành động gây hấn”. Vị quan chức này là Sok Chol Won, Giám đốc Viện Nhân quyền thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên, được phép trả lời CNN về mọi vấn đề.
Ông Sok cho biết cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn chưa từng thấy của Triều Tiên ngày 25-4 chính là lời cảnh báo trực tiếp gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump. Rốc-két và ngư lôi cũng được bắn vào tàu chiến kẻ thù giả định trong cuộc tập trận kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên. Hàng trăm xe tăng được triển khai phô diễn sức mạnh dọc thành phố cảng Wonsan trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát buổi tập trận. Đáp lại, hơn 2.000 lính Hàn Quốc và Mỹ một ngày sau đó tập trận phối hợp bắn đạn thật lớn nhất trong những năm gần đây ở Pocheon - Hàn Quốc.
Động cơ của Mỹ
Bất chấp một loạt cuộc tập trận và triển khai khí tài quân sự nêu trên, một số nhà phân tích cho rằng một cuộc xung đột trực diện giữa Triều Tiên và Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực khó xảy ra. “Các bên đang trong giai đoạn chiến tranh giả” - ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Lowy (Úc), nhận định với đài CNN.
Vị chuyên gia này cho rằng động cơ phía sau sự leo thang đe dọa chiến tranh của Washington là gây sức ép để Trung Quốc thực thi nghiêm túc hơn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Dù vậy, một số người khác lo ngại mọi chuyện có thể xấu đi nếu ai đó phạm “sai lầm ngu ngốc”.
Cho đến giờ, theo Đô đốc Harris, Trung Quốc dường như đang ngăn cản Triều Tiên sau những thôi thúc không ngừng từ Tổng thống Trump. Vị tư lệnh cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nếu Washington phát động chiến dịch quân sự sau khi ông lên tiếng bác bỏ thông tin của trang Bloomberg, rằng nhóm tàu tác chiến USS Carl Vinson không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo trong trường hợp bị tấn công.
Mặt khác, ông Harris cũng nhấn mạnh thật phi lý khi Trung Quốc tiến hành các bước đi kinh tế hòng ngăn chặn THAAD được triển khai ở Hàn Quốc trong lúc Mỹ khẳng định hệ thống này không hề đe dọa Bắc Kinh. Bất chấp lập luận của Washington, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 27-4 khẳng định nước này sẽ tiếp tục các cuộc tập trận bắn đạn thật và thử vũ khí mới để bảo vệ an ninh quốc gia. “Việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc đe dọa sự ổn định và thế cân bằng chiến lược của khu vực” - ông Dương nhấn mạnh.
Chiến lược mơ hồ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh các biện pháp gây sức ép ngoại giao và kinh tế lên Triều Tiên trong khi hành động quân sự chỉ được tiến hành trong trường hợp cần thiết. Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết thông tin này sau cuộc họp khác thường tại Nhà Trắng với sự tham gia của toàn bộ thượng nghị sĩ Mỹ hôm 26-4.
Dù vậy, theo tờ The Washington Post, một số thượng nghị sĩ Mỹ phàn nàn rằng chiến lược đối phó “mối đe dọa nghiêm trọng” từ Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng ngoài những phát biểu cứng rắn của ông Trump. Một số người còn tỏ thái độ không hài lòng vì không được cung cấp thông tin chi tiết tại cuộc họp nêu trên. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Chris Coons cho hay những lựa chọn về một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên không được Nhà Trắng trình bày.
Trang 9News (Úc) nhận định Mỹ đang tiến gần bờ vực chiến tranh với Triều Tiên hơn bất kỳ thời điểm nào trong nửa thế kỷ qua trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông Trump sắp cán mốc 100 ngày. Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump vào Nhà Trắng với những lời lẽ cứng rắn nhằm vào Triều Tiên và gây sức ép để Trung Quốc chống lại nước láng giềng này.
Theo đài BBC, giới quan sát có nhiều lý do để lo ngại những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Nguy cơ chiến tranh đang tăng bởi 2 nước không ngừng leo thang khẩu chiến và phát đi những lời đe dọa về quân sự. Ngoài ra, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều được đánh giá là khó lường, thiếu kinh nghiệm.
Dù vậy, theo đài Sky News, vẫn có luồng ý kiến cho rằng ông Trump đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Triều Tiên để chuyển sự chú ý khỏi những khó khăn thật sự trong nước, như vấn đề cải tổ chăm sóc sức khỏe, cấp ngân sách cho bức tường biên giới, sắc lệnh hạn chế nhập cư… Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân sự của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc có thể tác động không nhỏ đến khả năng ông Trump ứng phó với vấn đề Triều Tiên trong trường hợp tình hình trở nên xấu thêm.
Xuân Mai
Bình luận (0)