Nhiều trang web của chính phủ Philippines đã bị tin tặc ký tên nhân danh “chính phủ Trung Quốc (TQ)” tấn công sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12-7 bác bỏ “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên biển Đông.
Thiệt hại nặng nề
Trang Softpedia cho biết hơn 60 website của các cơ quan chính phủ Philippines đã tê liệt sau phán quyết bất lợi cho TQ. Các cơ quan lớn như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao hay Bộ Nội vụ Philippines… đều bị ảnh hưởng.
Một cách trùng hợp, các website bị tấn công đều hiển thị hình ảnh mặt nạ Guy Fawkes, liên quan đến nhóm tin tặc Anonymous khét tiếng, với thông điệp: “Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn sự công bằng hay công lý. Nếu bạn là đàn ông, bạn chấp nhận điều đó” - chính phủ TQ”. Chính quyền Philippines vẫn chưa xác định được Anonymous có dính líu tới vụ tấn công mạng này hay không nhưng tin tặc TQ vẫn bị nghi là thủ phạm chính.
Hồi tháng 7-2015, trang web của PCA bất ngờ bị đánh sập khi tòa đang tiến hành cuộc điều trần vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giữa Philippines và TQ. Theo The Diplomat, dựa trên phân tích phần mềm và cơ sở hạ tầng, các chuyên gia Công ty An ninh ThreatConnect (Mỹ) xác định website PCA đã bị nhiễm phần mềm độc hại có nguồn gốc từ TQ. Bằng cách lây nhiễm vào máy tính của các nhà báo, giới ngoại giao, luật sư và những người liên quan đến vụ kiện, hacker có thể moi móc thông tin nội bộ của phiên tòa mà TQ nhất quyết không tham dự này. Như thường lệ, Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Trong khi đó, tạp chí The Globalist có trụ sở tại Mỹ hôm 30-7 đăng tải bài viết: “Phải chấm dứt các cuộc tấn công mạng do chính phủ TQ bảo trợ”. Tác giả bài viết nhấn mạnh vấn đề an ninh mạng cũng quan trọng tương đương câu chuyện chống chủ nghĩa khủng bố nóng bỏng trong cuộc đua vào Nhà Trắng của cả 2 ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Theo báo cáo của Ủy ban Về đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ (CTAIP), TQ - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - phải chịu trách nhiệm đối với 70% thiệt hại trong lĩnh vực này của Mỹ. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hồi tháng 10-2014 thẳng thừng tuyên bố TQ đứng đầu danh sách các nước tìm cách đánh cắp bí mật từ các tập đoàn Mỹ khiến nền kinh tế số 1 thế giới thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm. Từ tháng 10-2013 tới tháng 2-2016, báo cáo của FBI chỉ rõ 17.642 công ty tổn thất 2,3 tỉ USD từ các vụ tấn công của tin tặc TQ. Năm 2015, Washington tố tin tặc TQ đánh cắp hồ sơ cá nhân của 4 triệu nhân viên chính phủ Mỹ.
Mặt trận bí mật
Trên “mặt trận” quân sự, các cơ quan quốc phòng của Mỹ như Lầu Năm Góc và Cơ quan Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia mỗi nơi đều phản ánh tới 10 triệu vụ do thám mạng mỗi ngày và TQ lại là tâm điểm điều tra.
Trong cuốn “Ngoại hổ: Chủ nghĩa quân sự của TQ có ý nghĩa gì với thế giới”, tác giả Peter Navarro cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) ăn cắp thiết kế của hầu như tất cả hệ thống vũ khí của Mỹ. Trong danh sách đó có các chiến đấu cơ tối tân F-22, F-35, F/A-18, các hệ thống phòng thủ tên lửa quan trọng như Aegis hay THAAD… Nhiều hệ thống vũ khí của Mỹ cũng điêu đứng bởi hiện tượng mà Ủy ban Vũ khí (USASC) gọi là “bão hàng giả”. Trong số hơn 100 vụ việc nghi các bộ phận vũ khí bị làm giả, USASC phát hiện 70% do TQ.
Hồi tháng 3 vừa rồi, dư luận không khỏi sốc khi tờ Thời báo Hoàn Cầu của TQ tung hô không khác gì anh hùng đối với một doanh nhân nước này bị Mỹ kết tội âm mưu tấn công mạng lưới máy tính của các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Ấn phẩm trực thuộc sự quản lý của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản TQ - nói rằng nếu doanh nhân có tên Su Bin, 50 tuổi, này đánh cắp bí mật quân sự Mỹ và tuồn cho chính phủ TQ thì nước nhà sẵn sàng thể hiện sự biết ơn và kính trọng ông ta vì sự tận tụy với tổ quốc. Thời báo Hoàn Cầu còn nhấn mạnh trên mặt trận bí mật không thuốc súng, TQ cần những đặc vụ thu thập các bí mật từ Mỹ như Su Bin và chính phủ nên chiêu mộ doanh nhân này, cho ông ta một danh phận để ghi công!
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Su Bin thừa nhận câu kết với 2 tin tặc làm việc cho quân đội TQ trong âm mưu do thám mạng từ năm 2008-2014. Chúng nhằm vào những thiết kế đang được TQ khao khát như máy bay vận tải C-17 của Boeing hay chiến đấu cơ F-22, F-35 do nhà thầu quốc phòng lừng danh Lockheed Martin chế tạo.
Theo tạp chí quân sự Mỹ Washington Free Beacon, cuộc cải tổ quân sự của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình công bố hôm 31-12-2015 đã lộ rõ ý đồ tăng cường mối đe dọa của chiến tranh mạng và các đơn vị do thám vốn mới được hợp nhất thành Lực lượng Hỗ trợ mới (SSF). Lực lượng này có vị trí tương đương lục quân, hải quân, không quân và cơ quan tên lửa của TQ.
Giới chức Mỹ và các nhà phân tích TQ chỉ rõ SSF bao gồm cơ quan gián điệp mạng của TQ được biết đến với cái tên Cục số 3, gọi tắt là 3PLA. Ước tính, có tới 100.000 hacker chiến tranh mạng và chiến binh do thám tín hiệu thuộc kiểm soát của 3PLA. Cục này có những nhân vật tinh nhuệ được đào tạo đặc biệt chuyên về tấn công mạng lưới, giải mã…
Đáng chú ý, Cục số 4, cơ quan độc lập chuyên về do thám điện tử quân sự và tác chiến điện tử của TQ, cùng với cơ quan tình báo quân sự truyền thống - còn được biết tới với cái tên 2PLA, cũng được gom vào SSF theo kế hoạch cải tổ. Cựu quan chức tình báo quân sự Mỹ Larry Wortzel nhận định bước đi này cho thấy PLA đang hướng về viễn cảnh chiến tranh điện tử mạng lưới tích hợp, đồng thời muốn tận dụng vệ tinh cho các hoạt động do thám, giám sát và trinh sát.
Hơn 30.000 vụ tấn công
Năm 2014, 5 thành viên 3PLA từng bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố vì các vụ tấn công mạng vào các công ty của Mỹ. Theo tài liệu mới giải mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), tin tặc của 3PLA đã tiến hành hơn 30.000 vụ tấn công mạng nhằm vào các bí mật công nghiệp quân sự, trong đó có hơn 500 vụ xâm nhập mạng lưới máy tính của quân đội Mỹ.
Kỳ tới: Siêu vũ khí Stuxnet
Bình luận (0)