Phương pháp này có thể giúp chân dài thêm 5 - 7 cm trong 6 tháng: Với 6.000 USD, không phải ai cũng có điều kiện kéo chân dài (thu nhập trung bình đầu người tại đô thị Trung Quốc hơn 1.100 USD/năm) nhưng nhiều người sẵn sàng vay mượn hoặc cầm cố để có được cặp chân dài. "Tôi không đủ cao để được tuyển vào trường điện ảnh" - lời kể của cô sinh viên 20 tuổi (cô chỉ được nhận khi chiều cao "phát triển" thêm được 7 cm). "Tôi cũng phải xin nghỉ học một năm để kéo chân dài" - tâm sự của cậu sinh viên kinh tế thương mại 22 tuổi, người lo lắng rằng chiều cao khiêm tốn của mình có thể ảnh hưởng đến khả năng xin việc sau này. Hai trường hợp trên là tiêu biểu của xu hướng kéo chân dài tại Trung Quốc.
Trong nhiều thập niên, vấn đề chiều cao chẳng ý nghĩa gì trong xã hội Trung Quốc. Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - một trong những nhân vật khổng lồ của lịch sử hiện đại nước này - chỉ cao hơn 1,5 m.
Nhưng đến nay, trong thời toàn cầu và liên thông giao lưu quốc tế, vấn đề chiều cao thật sự bắt đầu là nỗi ám ảnh. Tạp chí thời trang cũng như truyền hình đầy những hình ảnh chân dài. Vấn đề chân dài cũng là một trong những chính sách của ngành y tế Trung Quốc. Để có một "quốc gia chân dài", Bắc Kinh đã yêu cầu nâng lượng sữa cho trẻ em ở độ tuổi đi học. Kết quả, thế hệ trẻ Trung Quốc hiện nay đã cao hơn 2 cm so với cách đây một thập niên, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có chiều cao phát triển nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, vấn đề kéo chân dài không thuần túy nhằm tạo thêm chiều cao thẩm mỹ. Hầu hết trường hợp kéo chân dài đều xuất phát từ thực tế tuyển dụng khắt khe của thị trường việc làm. Gần như bất kỳ ứng cử viên "lùn" nào vác đơn xin việc cũng bị lắc đầu từ chối. Thế là người này bảo người kia, cuối cùng, ai cũng muốn kéo chân dài để bảo đảm xin việc thành công, đặc biệt ở các công ty nước ngoài. "Tại Trung Quốc, cạnh tranh trong xin việc là cực kỳ kinh khủng" - phát biểu của Xia Hetao, một trong những bác sĩ chuyên phẫu thuật chân dài - "Khi tất cả đều tương đương nhau, chiều cao trở thành yếu tố quyết định cuối cùng".
Trên một mẩu quảng cáo vị trí thư ký văn phòng làm việc tại Bắc Kinh, ông chủ công ty may mặc đã nhấn mạnh chi tiết "Cần nữ thư ký duyên dáng, xinh đẹp, cao ít nhất 1,65 m". Không chỉ ngành nghề liên quan văn phòng, quảng cáo tuyển dụng nhân viên phục vụ nhà hàng, tài xế và thậm chí người giữ trẻ cũng rộ lên yêu cầu "cao ít nhất...". Theo website Sở Giao thông Bắc Kinh, người nộp hồ sơ xin làm tài xế phải cao ít nhất 1,6 m đối với lái xe hơi và ít nhất 1,65 m đối với lái xe tải hoặc xe buýt. Tất nhiên tại các trường như điện ảnh - kịch nghệ hoặc cơ quan như Bộ Ngoại giao, vấn đề chiều cao là quy định bắt buộc. Nói cách khác, chiều cao bắt đầu trở thành tấm thông hành cho ngưỡng cửa vào đời đối với một số thanh niên. Lùn không chỉ là một nỗi mặc cảm, mà còn là trở ngại cho tương lai bản thân.
Nỗi ám ảnh chân dài một cách thái quá đã khiến giới xã hội học lên tiếng. "Cứ mãi dòm đến yếu tố chiều cao, người ta sẽ đánh mất nhiều ứng cử viên (xin việc) có tiềm năng và điều này thậm chí còn trái với hiến pháp Trung Quốc (về phân biệt đối xử trong xã hội)" - phát biểu của Sun Dongdong, giáo sư luật Đại học Bắc Kinh.
Hơn nữa, người ta cũng không nhận ra một thực tế rằng đã có rất nhiều trường hợp chân lùn bị biến thành chân què vĩnh viễn sau ca phẫu thuật hỏng.
Bình luận (0)