Nghiên cứu mới này thuộc về một nhóm các nhà khoa học trường Đại học San Marcos (bang Texas – Mỹ) do giáo sư Donald Olson đứng đầu, đăng tải trên tạp chí Sky & Telescope (Bầu trời & Kính viễn vọng).
Theo đó, hiện tượng chỉ xảy ra một lần trong đời này đã tạo ra siêu thủy triều vào ngày 12-1-1912, làm ngập và cuốn trôi cả một vùng băng rộng lớn ở ngoài khơi Canada, khiến cho chúng trôi nổi về phía nam ba tháng trước khi con tàu Titanic hứng chịu thảm họa ngày 14-4-1912, cướp đi sinh mạng của gần 1.500 người.
Tàu Titanic rời Southampton (Anh) trong chuyến ra khơi đầu tiên vào ngày 10-4-1912
Chính siêu thủy triều đã đánh bật một lượng lớn băng trôi ra khỏi các vùng nước nông ở Labrador và Newfoundland, cuốn chúng vào trong các dòng chảy đang nam tiến, và “nhảy xổ” vào đường đi của tàu Titanic vào tháng 4 năm đó.
Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng kỳ lạ đó xảy ra chỉ một ngày sau khi trái đất tiến đến vị trí gần mặt trời nhất trong năm. Tổng hợp tất cả các yếu tố khác thường đó đã tạo nên thủy triều mùa xuân cao kỷ lục.
Thông thường, các tảng băng “an tọa” tại vị trí của chúng và không thể nam tiến cho tới khi chúng tan chảy đủ để có thể trôi nổi được hoặc thủy triều đủ cao để “giải phóng” chúng.
Các tảng băng vốn hay "ghé chơi" khá lâu ở chỗ nước nông dọc bờ biển Labrador và Newfoundland
“Một tảng băng có thể bị bị tắc lại hàng trăm lần trong hành trình nam tiến – quá trình có thể mất tới vài năm. Và khi các tảng băng tiến về phía nam, chúng thường buộc phải “ghé lại” rất lâu ở những chỗ nước nông dọc bờ biển Labrador và Newfoundland. Đến khi triều xuống, các tảng băng lại có thể nam tiến”, giáo sư Olson nói.
“Điều đó có thể giải thích cho hiện tượng hàng loạt tảng băng xuất hiện vào mùa xuân năm 1912. Chúng tôi không biết chính xác tảng băng đâm vào tàu Titanic ở vị trí nào vào tháng 1-1912 – không ai có thể biết điều đó- nhưng đây là tình huống có lý nhất về mặt khoa học”, giáo sư Olson giải thích thêm.
Bình luận (0)