Chính phủ Mỹ gần như chắc chắn phải đóng cửa từ ngày 1-10 (giờ địa phương) sau khi Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát bác dự luật cấp ngân sách tạm thời nhằm ngăn kịch bản xấu trên xảy ra.
Theo Reuters, dự luật này gia hạn ngân sách của chính phủ đến ngày 31-10, cùng với đó là đề xuất cắt giảm chi tiêu đến 30% đối với nhiều cơ quan và các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh biên giới. Đây là những ưu tiên của Đảng Cộng hòa nhưng rất khó được Thượng viện, nơi Đảng Dân chủ chiếm đa số, chấp nhận.
Cuộc bỏ phiếu ngày 29-9 được xem là nỗ lực giờ chót của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhằm ngăn chính phủ đóng cửa nhưng 21 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối vì cho rằng các đề xuất trên chưa đủ mạnh. Toàn bộ 212 hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng bỏ phiếu chống nhưng với lý do nội dung dự luật quá "cực đoan".
Nghị sĩ Matt Gaetz, thuộc Đảng Cộng hòa, đã bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ Mỹ ngày 29-9 .Ảnh: REUTERS
Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy Đảng Cộng hòa hiện vẫn chia rẽ và không có chiến lược rõ ràng nào để xử lý cuộc khủng hoảng trước hạn chót giữa đêm 30-9 (giờ địa phương).
Một số thành viên có quan điểm cứng rắn cho rằng Quốc hội nên tập trung vào những dự luật chi tiết để cấp ngân sách cho toàn bộ năm tài chính thay vì biện pháp gia hạn ngân sách tạm thời, ngay cả khi điều này khiến chính phủ đóng cửa.
Hạ viện đã thông qua 4 dự luật chi tiêu như thế cho đến nay dù chúng không có khả năng được Thượng viện thông qua - theo AP.
Trái lại, một số thành viên khác cho rằng họ có lẽ phải bắt tay với Đảng Dân chủ để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời có thể qua được ải Thượng viện và Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, Thượng viện hiện thúc đẩy dự luật cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ đến ngày 17-11 nhưng các rào cản về thủ tục có thể khiến cuộc bỏ phiếu cuối cùng bị trì hoãn đến ngày 3-10.
Các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang hy vọng dự luật đến từ Thượng viện này có thể giúp phá vỡ bế tắc ngay cả khi khả năng nó được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện là không cao.
Nếu không có diễn biến đột phá nào, chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa lần thứ 4 trong vòng một thập kỷ. Điều này xảy ra chỉ 4 tháng sau khi một cuộc đối đầu tương tự suýt chút nữa đẩy chính phủ rơi vào cảnh vỡ nợ.
Theo đài CNBC, giới chức Mỹ cho biết ông Joe Biden sẽ duy trì đối thoại với Quốc hội trong những ngày tới nhưng nhấn mạnh thỏa thuận trần nợ công đạt được trước đó đã bao gồm các yếu tố chủ chốt của dự luật chi tiêu.
Trước mắt, Nhà Trắng tiếp tục chỉ trích Đảng Cộng hòa vì tình trạng bế tắc nói trên và thúc giục họ làm điều đúng đắn.
Bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, ngày 29-9, cho rằng việc chính phủ đóng cửa gây ra "những rủi ro không cần thiết" đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, như tình trạng hoãn chuyến bay và người nghèo không thể tiếp cận một số phúc lợi của chính phủ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo kịch bản này có thể làm tổn hại đến kinh tế đất nước bằng cách tác động tiêu cực đến các chương trình quan trọng dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em, cũng như trì hoãn những cải tiến lớn về cơ sở hạ tầng.
Kinh tế trúng đòn
Chuyên gia Justin Begley tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Moody’s Analytics (Mỹ) cho biết khoảng 1/4 GDP Mỹ là chi tiêu chính phủ. Nếu khoản chi tiêu này bị "giảm sút nghiêm trọng", điều đó sẽ dẫn đến hàng loạt tác động dây chuyền lên đầu tư và tiêu dùng, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Theo Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein, cứ mỗi tuần đóng cửa chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng quý có thể giảm 0,1-0,2 điểm %. Với các chuyên gia tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), con số này là 0,2 điểm %.
Trong trường hợp chính phủ ngừng hoạt động 4 tuần, Moody’s Analytics dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,4 điểm %. Tuy nhiên, ông Begley nhận định con số thực tế có thể còn cao hơn do kết hợp nhiều tác động. Kịch bản tồi tệ nhất là chính phủ đóng cửa cả quý IV/2023. Khi đó, Moody’s Analytics ước tính tăng trưởng GDP có thể giảm đến 2 điểm %.
Chính phủ đóng cửa trong thời gian dài cũng đồng nghĩa với việc có ít khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ hơn và ít công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hơn.
Xuân Mai
Bình luận (0)