Đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda nhậm chức vào tháng 9-2011 là vị thủ tướng thứ 6 trong 5 năm. Năm vị tiền nhiệm là Shinzo Abe, Yasuo Fukuda, Taro Aso (đều của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chỉ cầm quyền chưa được 1 năm), Yukio Hatoyama (tại vị được 9 tháng) và Naoto Kan (14 tháng).
Theo Kyodo, người dân Nhật đang chú ý theo dõi xem liệu Thủ tướng Noda có cầm quyền được hơn 12 tháng hay không, một ước vọng mà 4 vị tiền nhiệm không thực hiện được.
Ông thành công hay không phụ thuộc vào điều kiện có giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) hay không và có lãnh đạo DPJ cầm quyền giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử của Nhật Bản trong năm nay hay không.
Hai điều kiện này quá khó vì Thủ tướng Noda đang phải vất vả khắc phục tình trạng uy tín cá nhân bị sút giảm nên nhiều khả năng Nhật Bản sẽ có vị thủ tướng thứ 7 trong 6 năm.
Thủ tướng Noda (giữa hàng trên) và 5 vị tiền nhiệm “tại vị ngắn ngày”. Ảnh: KYODO
Nhà phân tích chính trị Ushio Shiota cho rằng các “chính quyền yểu mệnh” của Nhật Bản không phải là hiện tượng mới mẻ vì “tuổi thọ” bình quân của 62 vị thủ tướng Nhật Bản từ sau thế chiến II đến nay chỉ là 2 năm.
Vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất là Eisaku Sato với kỷ lục 2.798 ngày từ năm 1964 đến năm 1972. Vị thủ tướng tại vị ngắn nhất là Naruhiko Higashikuni, chỉ được 54 ngày sau thế chiến II, chấm dứt vào tháng 4-1945!
Hãng Kyodo phân tích những nguyên nhân của hiện tượng “thủ tướng ngắn ngày” là quốc hội chia rẽ triền miên giữa thượng và hạ viện, đảng cầm quyền (LDP và DPJ) liên tục bầu cử chủ tịch, thái độ của cử tri coi lợi ích của đất nước là cao nhất thay vì lợi ích của đảng phái chính trị, cuối cùng là uy tín và năng lực chính trị của người đứng đầu chính phủ. Tại Nhật Bản, tìm giải pháp khắc phục những trở ngại này thật không dễ dàng.
Bình luận (0)