Mỹ, Nhật Bản, Úc đã tập trận chung tại biển Đông hôm 19-10 giữa lúc Washington và các đồng minh tăng cường kêu gọi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".
Theo thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ hôm 20-10, cuộc tập trận có sự tham gia của tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS John S. McCain, tàu JS Kirisame của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) và tàu HMAS Arunta của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN). Trong số các nội dung tập trận có phòng thủ trên biển, dưới biển và phòng không, cũng như các hoạt động nhằm tăng cường an ninh hàng hải khu vực. Đây là lần thứ năm 3 nước nói trên tập trận hải quân chung trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ kể từ đầu năm 2020 đến nay. Trước đó, tàu USS McCain đã cùng một nhóm tàu chiến của JMSDF tập trận ở biển Đông từ ngày 12-10.
Ngay trong ngày cuộc tập trận Mỹ - Nhật - Úc diễn ra ở biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vụ việc gần đây ở biển Đông dù không nêu tên Trung Quốc, như quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp, tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển có hành vi cưỡng bức hoặc gây nguy hiểm, làm gián đoạn hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác…
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản, hai bộ trưởng nhấn mạnh họ phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo tuyên bố, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh, quốc phòng để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng.
Tàu hải quân Mỹ, Nhật Bản, Úc tập trận ở biển Đông hôm 19-10 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Việc Washington và các đồng minh tăng cường tập trận ở biển Đông diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần. Chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan của Trường ĐH Indonesia nhận định chính sách của Mỹ đối với vấn đề biển Đông khó có thay đổi đáng kể bất chấp kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong bài viết đăng trên trang Diễn đàn Chính sách châu Á và Thái Bình Dương của Trường ĐH quốc gia Úc hôm 20-10, ông Darmawan nhận định nhà lãnh đạo sắp tới của Mỹ sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng về cách thúc đẩy quan hệ với châu Á, xử lý căng thẳng với Trung Quốc và vấn đề biển Đông.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đẩy mạnh hiện diện ở biển Đông. Gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông. Theo ông Darmawan, Washington nhiều khả năng tiếp tục duy trì chính sách mạnh mẽ về biển Đông sau cuộc bầu cử sắp tới bởi cả hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden có thể vẫn xem châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu.
Bên cạnh đó, xét về khía cạnh địa chính trị, Mỹ dù không liên quan đến tranh chấp ở biển Đông nhưng lại có lợi ích mạnh mẽ trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quan trọng này. Một yếu tố khác, như ông Darmawan chỉ ra, là việc Washington quan tâm đến tình hình biển Đông có thể giúp nước này tăng cường ảnh hưởng ở khu vực và củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác.
"Bộ tứ kim cương" tập trận chung
Trong tuyên bố đưa ra hôm 19-10, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đã đồng ý mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar thường niên dự kiến diễn ra ở vịnh Bengal vào tháng tới. New Delhi khẳng định bước đi này chứng tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và các nước khác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Úc quay trở lại cuộc tập trận Malabar với 3 nước trên kể từ lần tham gia hồi năm 2007, dẫn đến chỉ trích của Trung Quốc khi đó. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds nhận định cuộc tập trận đa phương này là cơ hội để Canberra cải thiện năng lực hàng hải, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác thân thiết và nêu bật cam kết tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cho rằng cuộc tập trận sẽ nâng cao năng lực của 4 nước trên, còn được gọi là "Bộ tứ kim cương", trong việc cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.
Bình luận (0)