icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chính trường Mỹ: Diều hâu cất cánh!

Anh Vũ

“Diều hâu chứ không phải bồ câu đã rúc mình trên cành Giáng sinh trong Phòng Bầu dục...”. Đó là câu đầu tiên của hai tác giả Nancy Gibb và John F. Dickerson trên tờ Time số đúp tổng kết (đề ngày 27-12-2004 và 3-1-2005)

Trong thực tế, không có sự hiện diện nhóm diều hâu, cuộc chiến Iraq chưa hẳn đã xảy ra. Họ là những người kích động Nhà Trắng liên tục tiến hành lật đổ Baghdad từ hồi chưa xảy ra vụ 11-9 và thậm chí từ lúc George W. Bush còn chưa vào Nhà Trắng. Đã đến lúc “điểm mặt, chỉ tên” họ...

Họ là ai?.- Báo chí Mỹ gọi họ là phe “neocon” (viết tắt từ neo-conservative – phe tân bảo thủ). Đó là những gương mặt diều hâu tôn sùng chủ nghĩa đơn cực và luôn công khai nhấn mạnh sức mạnh Mỹ là tuyệt đối. “Neocon” gồm Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld; Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz; (nguyên) chủ tịch Ban Chính sách Quốc phòng Richard Perle; trợ lý ngoại trưởng đặc trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế John R. Bolton; trợ lý bộ trưởng quốc phòng đặc trách chính sách quốc phòng Douglas J. Feith; William Kristol – Tổng Biên tập tuần báo thân Cộng hòa Weekly Standard (thuộc tập đoàn News Corporation của ông trùm thông tin Rupert Murdoch); chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách an ninh Frank Gaffney; Robert Kagan – cây bút bình luận Washington Post, hội viên tổ chức Carnegie Endownment; Lawrence Eagleburger (nguyên ngoại trưởng thời Bush-cha; thống đốc Texas Jeb Bush – em Tổng thống Bush; Steve Forbes – chủ tịch tập đoàn báo chí Forbes)... Lịch sử “neocon” có từ thời Ronald Reagan, khi họ tin rằng chỉ quân sự mới “định dạng thế kỷ mới phù hợp nguyên tắc và quyền lợi nước Mỹ”. Năm 1997, phe “neocon” thành lập tổ chức Dự án cho thế kỷ Mỹ mới (Project for a New American Century-PNAC), với những lý thuyết trở thành “cẩm nang” ngoại giao cho phe diều hâu. Nhóm “neocon” không tán đồng chính sách ngoại giao của Tổng thống Bill Clinton và năm 1998 họ từng gửi lá thư cho Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cũng như thủ lĩnh phe đa số Thượng viện Trent Lott, cảnh báo rằng Clinton “đang đầu hàng” Saddam Hussein, rằng sức mạnh Iraq là “lực cản” tiến trình hòa bình Trung Đông, rằng “chúng ta nên thiết lập và duy trì sự hiện diện quân sự mạnh tại khu vực để sẵn sàng bảo vệ lợi ích sống còn tại vùng Vịnh và nếu cần thiết để lật đổ Saddam Hussein” (trích lá thư gửi Newt Gingrich). Chủ trương PNAC không dừng tại đó. Sau Iraq, mục tiêu tiếp theo có thể là Iran và Syria. “Israel có thể định dạng môi trường chiến lược, trong sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, giúp làm suy yếu hoặc thậm chí nuốt cả Syria”. Tháng 2-2003, trợ lý ngoại trưởng John R. Bolton đã “tâm sự” với vài viên chức Israel rằng Mỹ không chỉ đánh Iraq mà nếu cần thiết họ cũng sẽ “giải quyết những mối đe dọa từ Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên” (Petersburg Times). Xin nói thêm, John R. Bolton chính là người từng phát biểu rằng “chẳng có cái quái gì gọi là Liên Hiệp Quốc!” (trong buổi nói chuyện do Hiệp hội Những người liên bang thế giới – World Federalist Association – tổ chức năm 1994, dẫn lại từ Foreign Policy in Focus). Ngày 20-9-2001, Richard Perle (lúc đó còn ngồi ghế chủ tịch Ban Chính sách quốc phòng) đã kích động PNAC viết lá thư gửi Bush, vạch ra chương trình hành động trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt mở chiến dịch quy kết Baghdad dính dáng Al-Qeada và từ đó tấn công Iraq, “ngay cả khi không có bằng chứng cho thấy ông ta (Saddam Hussein) can dự vụ khủng bố (11-9)” (Asia Times). Lá thư nêu ra vài chính sách cụ thể, chẳng hạn tăng ngân sách quốc phòng, cô lập toàn diện Nhà nước Palestine (PA), tấn công Hezbollah tại Lebanon, có thể tấn công Iran và đặc biệt Syria nếu họ không từ bỏ ủng hộ Hezbollah. Có chân trong ban điều hành tờ Jerusalem Post (báo Israel), Richard Perle còn tung loạt bài viết ủng hộ Israel đồng thời chỉ trích PA...

Nhóm “neocon” ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách ngoại giao Mỹ, có sức khống chế Bộ Ngoại giao cũng như đủ khả năng (từng) biến Ngoại trưởng Colin Powell thành con rối...

Thế giới trong mắt diều hâu.- Phe “neocon” cũng xỉa xói “sự lạc hậu trong nhận thức chính trị” của châu Âu. Trong bài Power and Weakness trên chuyên san ngoại giao Policy Review (được xem là bài phân tích “kinh điển” đến mức được nhiều báo phương Tây trích dẫn liên tục thời gian gần đây), tác giả Robert Kagan khẳng định: “Đã đến lúc ngưng tự dối mình rằng người châu Âu và người Mỹ cùng chia sẻ quan điểm về thế giới hay thậm chí họ ngự trị trên cùng thế giới. Trong câu hỏi quan trọng nhất bàn về quyền lực – tính hiệu quả của quyền lực, tính đạo đức của quyền lực, sự thèm muốn quyền lực, quan niệm người Mỹ và châu Âu đang tách khỏi nhau. Châu Âu đang xa dần với quyền lực, hay nói khác một chút, nó đang chuyển động bên dưới quyền lực để vào một thế giới độc lập về luật pháp, luật lệ, thương thuyết và hợp tác liên quốc gia. Nó (châu Âu) đang bước vào một thiên đường hậu lịch sử (post-historical paradise) về hòa bình, sự thịnh vượng tương đối và sự hiện thực hóa khái niệm “Hòa bình bất diệt” của triết gia Kant. Mỹ, trong khi đó, tiếp tục lao vào lịch sử, triển khai quyền lực trong cái thế giới mà luật và các nguyên tắc quốc tế đều không đáng tin, trong thế giới mà an ninh thật sự, quốc phòng cùng sự khuyến khích một trật tự tự do vẫn lệ thuộc sự sở hữu và sử dụng sức mạnh quân sự... Đó là lý do tại sao, ở những vấn đề quốc tế và chiến lược chính yếu ngày nay, Mỹ giống sao Hỏa và châu Âu giống sao Kim” (Robert Kagan chơi chữ: sao Hỏa còn có nghĩa là thần Chiến tranh và sao Kim còn có nghĩa thần Ái tình).

Với Iraq, nhóm diều hâu cũng nhắm Baghdad từ rất lâu. Cuộc chiến đánh Iraq đã được định dạng từ những bài báo, tập sách, báo cáo và cả “công trình nghiên cứu” (chẳng hạn David Wurmser – trợ lý đặc biệt PNAC – tung ra quyển Tyranny’s Ally: America’s failure to defeat Saddam Hussein, với lời mở đầu của Richard Perle)... Còn nhiều thông tin liên quan nhóm “neocon” và bộ sậu diều hâu – những kẻ “khuyến khích” cuộc tấn công Iraq và hiện bận bịu dòm ngó Syria (như trong bài viết Neo-cons on the road to Damascus – Nhóm tân bảo thủ đang trên đường đến Damascus, của tác giả Jim Lobe trên Asia Times 18-12-2004). Một cách tóm tắt, họ là cha đẻ của chính sách “trảm không cần tấu”, một chủ trương trở thành công cụ giúp Mỹ đạt mục đích chính trị lẫn kinh tế, bất chấp tất cả thể chế và tổ chức quốc tế, khi trong thực tế, đối với họ, “chẳng có cái quái gì gọi là Liên Hiệp Quốc”!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo