Sau khi bị hủy vào năm 2020, hoãn vào năm 2021 và tổ chức với quy mô rất khiêm tốn năm ngoái - đều vì lý do đại dịch COVID-19, MWC (còn được biết đến là "Hội nghị Di động thế giới") trở lại vào năm nay.
Dự kiến khoảng 80.000 khách tham quan và 2.000 doanh nghiệp từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có mặt trong sự kiện kéo dài 4 ngày tại TP Barcelona - Tây Ban Nha này.
Nhận được rất nhiều sự chú ý ngay từ ngày khai mạc, 27-2, chính là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Sự đổ bộ của chatbot ChatGPT đã kéo cả ngành công nghiệp viễn thông vào cuộc đua AI - theo nhận định của tạp chí Nikkei.
Nhiều công ty lớn chuyên về chip, viễn thông… đều dự định trình làng những công nghệ liên quan tới "AI tạo sinh" - mô hình được dùng để tạo các nội dung mới và là mô hình đứng sau thành công của ChatGPT.
Nhà mạng không dây lớn nhất của Hàn Quốc SK Telecom tuyên bố đang "tiến hóa thành một công ty AI" và nhân MWC 2023 sẽ giới thiệu hàng loạt dịch vụ AI ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực - từ an ninh, chăm sóc sức khỏe đến điều hành thành phố thông minh, giao thông.
Sau khi nổi đình đám với khoản đầu tư rót vào ChatGPT, Microsoft mở gian hàng đáng kể tại MWC và thông báo kế hoạch tổ chức một sự kiện truyền thông để "đem lại cho khách hàng trải nghiệm mang đẳng cấp thế giới về sử dụng AI".
Khung cảnh sôi động tại MWC 2023 ở Barcelona - Tây Ban Nha ngày 27-2 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, "ngôi sao" tại MWC năm ngoái và cả những hội chợ công nghệ gần đây là mataverse (vũ trụ ảo) cũng được nhiều người quan tâm tại Barcelona lần này.
Theo hãng tin AP, một loạt công ty sẽ ra mắt những công nghệ metaverse giúp người dùng kết nối với nhau, tham dự những sự kiện ở xa hoặc tham gia các thế giới trực tuyến mới kỳ thú.
Công ty phần mềm đa quốc gia Amdocs sẽ dùng thực tế ảo và thực tế tăng cường để đưa người dùng "du hành ảo" đến Dubai. Những bản thử nghiệm metaverse của các công ty khác hứa hẹn nhiều "hoạt động ảo" đa dạng như thử quần áo hoặc học cách sửa càng hạ cánh của máy bay.
Dù vậy, theo đánh giá của John Strand, chuyên gia tư vấn kỳ cựu của ngành viễn thông, sau khi bùng nổ cùng những tuyên bố của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vào cuối năm 2021, "metaverse và tất cả mô hình kinh doanh xoay quanh nó hiện vẫn là một dấu hỏi lớn".
Là một trong những triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, MWC vẫn dành phần lớn không gian cho công nghệ di động.
AP cho biết những thiết bị mới chào sân lần này hầu hết đến từ OnePlus, Xiaomi, ZTE và Honor - các nhãn hiệu Trung Quốc đang muốn tìm kiếm thị phần từ 2 "thủ lĩnh" Apple và Samsung. Trong số đó, mẫu điện thoại di động cao cấp mới nhất của Xiaomi là thành quả từ sự hợp tác đầu tiên của hãng với nhà sản xuất máy ảnh Leica - theo Nikkei.
Câu hỏi đặt ra là những mẫu mới hào nhoáng này có thể hồi sinh thị trường điện thoại di động giữa bối cảnh kinh tế thế giới mấp mé ngưỡng suy thoái hay không. Doanh số điện thoại di động toàn cầu năm 2022 giảm mạnh tới 11,3% - theo dữ liệu của hãng nghiên cứu IDC.
"Điện thoại thông minh đã tới ngưỡng rồi. Hứng thú hiện nay chỉ đến từ các mẫu điện thoại gập nhưng thị trường cho những sản phẩm cao cấp này vẫn chưa rõ ràng" - ông Ben Wood, nhà phân tích hàng đầu của CCS Insight, bình luận.
Chính vì vậy, sự chú ý sẽ dồn vào các tiện ích thực tế của mạng không dây 5G, vốn được kỳ vọng sẽ khơi mào cho hàng loạt phát kiến vượt xa ứng dụng cho điện thoại thông minh, chẳng hạn nhà máy tự động, xe tự lái và thành phố thông minh - theo AP.
Ông Gary Barton, Giám đốc nghiên cứu của Công ty Phân tích dữ liệu Global Data, nhận định với Nikkei: "Tôi nghĩ chủ đề chính của năm nay là làm sao để mạng 5G phổ biến hơn". Trong khi đó, mạng 6G đang được xây dựng và dự kiến tạo sóng tại MWC 2023 với những màn "nhá hàng" trước của các hãng như Nokia, NTT Docomo…
Bình luận (0)