Tổng Biên tập của tờ The eSports Observer Thiemo Bräutigam nhận định 2015 là năm thắng lợi lớn nhất trong lịch sử của eSports (thể thao điện tử), đồng thời tin rằng ngành giải trí này sẽ còn thành công vượt bậc trong năm 2016.
Tăng trưởng liên tục
Các chuyên gia khác trong lĩnh vực này cũng đồng tình với nhận xét trên. Chiến lược gia eSports Craig Keller cho biết chỉ trong tháng 10-2015, số người xem các sự kiện eSports đã tăng gấp đôi so với tổng số người xem cả năm trước đó. Thực vậy, năm 2015 đem lại những giải đấu eSports trực tuyến được tổ chức chuyên nghiệp hơn trong lúc trình độ người chơi cũng không ngừng gia tăng.
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Newzoo, thị trường eSports dự kiến tăng gấp đôi về quy mô trong năm 2017 khi số người xem eSports cũng nhiều như số người dự khán các giải thể thao khác, như bóng chuyền và bóng bầu dục ở Mỹ. Điều này khiến lợi nhuận do eSports đem lại có thể lên đến 1 tỉ USD trong vòng 2 năm tới.
Ước tính số người chơi thể thao trên toàn cầu hiện nay khoảng 1,6 tỉ người trong khi cộng đồng chơi game toàn cầu vào khoảng 1,7 tỉ người. Newzoo dự báo: “Số người thích xem eSports sẽ nhảy vọt từ 89 triệu năm 2015 lên 145 triệu vào năm 2017, gần bằng với con số 151 triệu người dự khán môn bóng bầu dục ở Mỹ”. Trang web eSports Insights cho rằng doanh thu thị trường eSports toàn cầu sẽ tăng từ 748 triệu USD hiện nay lên 1,9 tỉ USD vào cuối năm 2018.
Giấc mơ triệu phú
Giám đốc điều hành Công ty SuperData, ông Joost van Dreunen, nhận định thị trường eSports bùng nổ nhờ một vài nguyên nhân sau: số nhiều người chơi game hiện nhiều hơn bao giờ hết (doanh số game trên thế giới đạt 114 tỉ USD trong năm 2015); các game thủ có thể thi đấu với nhau dễ dàng trên internet; các nhà quảng cáo bắt đầu tài trợ cho giải đấu vì muốn nhắm vào thị phần khách hàng từ 18 đến 35 tuổi.
Hiện có hàng trăm người nhận mình là game thủ chuyên nghiệp và con số này chắc chắn sẽ còn tăng, theo nhận định của ông Ralf Reichert, Giám đốc điều hành Công ty Turtle Entertainment (Đức), chuyên điều hành và quảng bá các giải đấu eSports lớn.
Khi sự nổi tiếng của eSports tăng lên, số tiền thưởng và tiền tài trợ cũng như cơ hội việc làm tăng theo. Theo website E-Sports Earnings, đã có 4 game thủ chuyên nghiệp kiếm được hơn 1,73 triệu USD trong năm 2015 trong khi nhiều người khác thu nhập hơn 100.000 USD. Dĩ nhiên là không phải game thủ nào cũng kiếm được nhiều tiền như thế - 300/500 người có tên trên website E-Sports Earnings kiếm được không quá 50.000 USD khi tham gia các giải đấu trong năm 2015. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp này phát triển, cơ hội kiếm được thu nhập cao hơn sẽ gia tăng.
Để thành công tại các cuộc thi đấu, game thủ cần bỏ thời gian khổ luyện, có kỹ năng tốt và nhất là phải nhanh tay. Chưa hết, để có thể leo lên được đỉnh cao, các game thủ phải gia nhập một đội nào đó. Tương tự các môn thể thao khác, các nhà quản lý và những người chiêu mộ tìm kiếm người chơi game hàng đầu để ký hợp đồng, sau đó cho họ tham gia tất cả giải đấu lớn. Sức hấp dẫn của eSports ở chỗ đây là ngành công nghiệp toàn cầu nên bất kỳ ai cũng có thể tham gia và thành công tại bất kỳ đâu.
Theo ông van Dreunen, mặc dù Hàn Quốc vẫn là vùng đất màu mỡ của eSports nhưng Mỹ, châu Âu và châu Á mới là những nơi ngành công nghiệp này tăng trưởng mạnh. Đơn cử, các khoản đầu tư liên quan đến eSports trong năm 2015 đã lên đến 321 triệu USD ở châu Á, cao hơn khoảng 100 triệu USD so với Bắc Mỹ.
Bình luận (0)