Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết rửa tay kỹ và thường xuyên là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 (gây Covid-19) vì virus này lây qua đường giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhiễm.
Vấn đề là khoảng 3 tỉ người hiện không có nước máy và xà phòng tại nhà - theo Ủy ban Nước của Liên Hiệp Quốc. Chưa hết, 4 tỉ người chịu cảnh thiếu nước nghiêm trọng trong ít nhất 1 tháng mỗi năm.
Ông Gilbert F. Houngbo, Chủ tịch Ủy ban Nước của Liên Hiệp Quốc, cho trang Bloomberg biết thế giới cần chi 6.700 tỉ USD cho hạ tầng nước từ nay đến năm 2030. Điều này không chỉ nhằm đáp ứng những nhu cầu vệ sinh cấp thiết mà còn giúp đối phó những vấn đề dài hạn từ đại dịch Covid-19, như cung cấp tưới tiêu tốt hơn để ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực.
Một số công ty đã cung cấp giải pháp ngắn hạn cho những vấn đề cấp bách nhất, như chế tạo thiết bị rửa tay chỉ cần một lượng nhỏ nước. Dù vậy, bà Clarissa Brocklehurst, chuyên gia tại Trường ĐH Bắc Carolina (Mỹ), kêu gọi những khoản đầu tư bền vững hơn để giúp đối phó dịch bệnh, như đưa nước máy đến nhiều hộ gia đình hơn.
Tình trạng thiếu nước sạch đang trở thành vấn đề ngày càng lớn trong bối cảnh số ca Covid-19 không ngừng gia tăng. Năm tháng sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, số ca nhiễm trên thế giới đã vượt mức 20 triệu hôm 10-8.
Cũng theo thống kê của trang worldometers.info, số ca tử vong vì Covid-19 là hơn 734.000. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về cả 2 số liệu này, trong đó, số ca mắc Covid-19 đã vượt mức 5 triệu hôm 9-8, theo số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins. Đáng chú ý, ông Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cảnh báo số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại nước này có thể tăng từ mức hơn 165.000 hiện nay lên 300.000 vào cuối năm nay.
Tình trạng thiếu nước sạch trên thế giới đang đe dọa nỗ lực khống chế dịch Covid-19Ảnh: Reuters
Nước Úc hôm 10-8 cũng ghi nhận một cột mốc buồn khi số ca tử vong mới trong ngày đạt mức cao kỷ lục là 19 tại bang Victoria. Dù vậy, số ca mắc mới trong ngày tại bang này đã giảm còn 322, mức thấp nhất kể từ ngày 29-7. Con số này cho thấy các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại TP Melbourne, thủ phủ bang, đang cho thấy tác dụng tích cực. Cùng ngày, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết biện pháp đóng cửa biên giới giữa một số bang khó có thể được dỡ bỏ trước Giáng sinh năm nay.
Còn tại Philippines, Thị trưởng Francisco Moreno của thủ đô Manila hôm 10-8 thông báo chính quyền sẽ phân phối 1 triệu khẩu trang cho người dân trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài ra, theo ông Moreno, nhà chức trách địa phương còn dành ít nhất 4 triệu USD để mua vắc-xin phòng ngừa Covid-19, nếu có. Philippines hiện có trên 130.000 ca mắc và 2.200 trường hợp tử vong vì Covid-19. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte vừa tái áp đặt lệnh phong tỏa tại Manila và các tỉnh lân cận cho đến ngày 18-8 để chống dịch bệnh.
Trong khi đó, New Zealand đang là một trong những điểm sáng hiếm hoi thời Covid-19 sau khi không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào trong 101 ngày liên tiếp (tính đến ngày 10-8). Dù vậy, giới chức nước này cảnh báo không nên tự mãn, cũng như nhấn mạnh cần sẵn sàng nhanh chóng đối phó với bất kỳ ca mới nào trong thời gian tới.
Bình luận (0)