icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa của riêng ai

VĂN ANH

Cuộc chiến ngấm ngầm giành quyền kiểm soát tài nguyên giàu có ở Bắc cực giờ đây đang trở thành chiến tranh lạnh mới. Giá dầu thô tăng cao và hiện tượng băng tan nhanh là hai yếu tố chính dẫn tới cuộc chiến này. Bắc cực ước tính có đến 25% trữ lượng dầu thô tiềm ẩn toàn cầu và nhiều khoáng sản khác chưa ai đụng đến. Nó cũng có hành lang Nam Bắc tạo thành một đường biển có thể rút ngắn đến 3.700 km từ châu Âu qua châu Á và cho phép khai thác thương mại tài nguyên ở Bắc cực

“Chiến tranh lạnh đã lan đến Bắc cực”. Nhật báo Kommersant xuất bản tại Moscow đã nhận định như thế sau khi tường thuật việc đoàn thám hiểm Nga cắm một lá cờ ở độ sâu 4.261 m trên thềm Bắc cực vào ngày 2-8-2007.

Bốn ngày sau, đoàn thám hiểm được Tổng thống Vladimir Putin đón tiếp như những vị anh hùng tại Điện Kremli. Sự kiện này được báo chí Nga đánh giá có tầm quan trọng như con người đặt chân lên mặt trăng.

Riêng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong một chuyến viếng thăm Philippines hồi tuần qua, tuyên bố tại Manila rằng mục tiêu của đoàn thám hiểm là chứng minh thềm lục địa châu Á kéo dài đến Bắc cực.

Canada đi tiên phong

Chuyện Nga lên tiếng đòi chủ quyền ở Bắc cực không có gì là bất ngờ. Nga cũng không phải là nước đầu tiên đòi chủ quyền ở vùng đất băng giá quanh năm này.

Theo luật quốc tế, hiện nay Bắc cực không thuộc về nước nào cả. Năm nước có thềm biển dính liền với Bắc cực là Nga, Mỹ (thông qua Alaska), Canada, Na Uy và Đan Mạch (thông qua đảo Greenland).

Mỗi nước này được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cách bờ biển của mình 370 km (200 hải lý) gọi là đặc khu kinh tế.

Ngoài ranh giới này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), muốn tuyên bố chủ quyền xa hơn vùng đặc khu kinh tế phải chứng minh bằng luận cứ khoa học 10 năm sau khi phê chuẩn công ước này.

Những chứng cứ sẽ được Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc xem xét và công nhận nếu hội đủ các điều kiện.

Công ước UNCLOS đã được Chính phủ Na Uy phê chuẩn vào năm 1996, kế đó là Nga (1997), Canada (2003) và Đan Mạch (2004). Riêng Mỹ không chịu phê chuẩn cho nên về lý thuyết chịu thiệt thòi nhất nhưng trên thực tế có những tham vọng không thua kém ai.

Tuy phê chuẩn Công ước UNCLOS chậm hơn Na Uy và Nga nhưng Canada, ngay từ năm 1925, là nước đầu tiên tuyên bố mở rộng biên cương về phía Bắc cực, ít nhất trên giấy tờ, giữa 60 độ và 141 độ kinh Tây. Tuy nhiên, tuyên bố này không được công nhận.

Ngoài ra, Canada còn tuyên bố các vùng biển nằm giữa các đảo Bắc cực thuộc lãnh hải của họ.

Mỹ là một trong các nước không công nhận tuyên bố của Canada và thường xuyên cho tàu ngầm băng ngang dưới các tảng băng gần các đảo của Canada mà không thèm thông báo cho Canada biết.

Liên Xô là nước thứ nhì cũng mau chóng tuyên bố chủ quyền của mình. Ngày 15-4-1926, Liên Xô tuyên bố vùng lãnh thổ nằm giữa 35 độ kinh Đông và 170 độ kinh Tây, từ Murmansk đến Bắc cực và bán đảo Chuchotka đến Bắc cực là của Liên Xô.

Na Uy và Mỹ cũng tuyên bố chủ quyền của mình trên một số vùng Bắc cực.

Riêng tuyên bố chủ quyền của Đan Mạch trên toàn bộ đảo Greenland được Mỹ và một tòa án quốc tế công nhận vào năm 1916. Ngoài ra, Đan Mạch cũng muốn tuyên bố chủ quyền trên vùng từ 60 độ và 10 độ kinh Tây.

Nói chung tính đến năm 1999, những lời tuyên bố nói trên của các nước đều không được ai công nhận. Bắc cực và phần lớn biển Bắc cực được coi là lãnh hải quốc tế.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng dần lên, hiện tượng băng tan nhanh hơn dự báo đang làm thay đổi tình hình một cách sâu sắc.

img
Tàu nghiên cứu Akademik Fyodorov trên biển Bắc cực

Băng tan nhanh có nghĩa là có thể khai thác thương mại tài nguyên khoáng sản rất dồi dào nằm ngủ dưới lòng biển Bắc cực.

Bấy lâu nay, nguồn tài nguyên này – bao gồm 25% trữ lượng dầu khí và nhiều khoáng sản tiềm ẩn trên thế giới – chưa được đụng đến vì băng giá quanh năm ở Bắc cực khiến giá thành khai thác rất cao.

Ngoài ra, băng tan nhanh sẽ tạo thông thoáng cho hành lang Tây Bắc ngay trong mùa đông mở ra triển vọng lớn cho ngành hàng hải rút ngắn con đường từ châu Âu đi châu Á đến 3.700 km.

Chương trình thám hiểm Arktika

Một nước đang nhờ dầu khí trở nên một thế lực mới như nước Nga dĩ nhiên không muốn người khác phỗng tay trên nguồn tài nguyên giàu có dưới lòng biển Bắc cực.

Phê chuẩn Công ước UNCLOS năm 1997, ngày 20-12-2001, Nga chính thức trình lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc xem xét và chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Nga về một vùng rộng lớn ở Bắc cực.

Cơ sở khoa học của tuyên bố này là dãy núi ngầm Lomonosov và Mendeleev ở lòng biển Bắc cực là phần vươn ra xa của lục địa Âu - Á.

Năm 2002, Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc không công nhận nhưng cũng không bác bỏ yêu sách này của Nga.

Họ chỉ yêu cầu Nga cung cấp thêm những chứng cứ khoa học. Và người Nga đang thực hiện lời yêu cầu này của ủy ban với chương trình mang tên Arktika 2007.

Tham gia chương trình có 100 nhà khoa học do ông Artur Chilingarov- nghị sĩ Quốc hội Nga đồng thời là nhà thám hiểm Bắc cực kỳ cựu - lãnh đạo đi trên tàu nghiên cứu khoa học Akademik Fyodorov chở hai chiếc tàu ngầm nhỏ MIR.

Nhiệm vụ của đoàn thám hiểm là tìm bằng chứng xác định những dãy núi Mendeleev, Lomonosov và Alpha nằm dưới đáy biển Bắc cực nối liền với thềm Siberia.

Chuyến thám hiểm nói trên xuất phát từ thành phố cảng Petersburg ngày 10-7-2007. Ngày 2-8, hai chiếc tàu ngầm MIR thăm dò biển sâu lặn xuống đáy biển. Chiếc MIR-1 do ba người Nga lái còn chiếc MIR-2 do một người Nga, một người Úc và một người Thụy Điển điều khiển.

Chiếc MIR-1 đạt độ sâu 4.261 m sau 2 giờ 40 phút, còn chiếc MIR-2 đạt 4.302 m. Hai chiếc tàu cách xa nhau 500 m. Chiếc MIR-1 trước khi trồi lên mặt biển đã cho cắm một cây cờ làm bằng hợp kim nhôm không gỉ cao 1 m, một thông điệp gửi thế hệ mai sau và một lá cờ đảng Nước Nga thống nhất cuộn trong một vỏ bọc.

Cuộc thám hiểm này nằm trong khuôn khổ Năm Bắc cực quốc tế, vẫn đang tiếp tục.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo