Mặc dù vẫn không chắc chắn về chính sách thương mại, nhập cư, địa chính trị của ông Trump cũng như tương lai của toàn cầu hòa, các nhà đầu tư phần nào được trấn an kể từ lúc tỉ phú Trump có bài phát biểu sau chiến thắng.
Trong đó, ông Trump ca ngợi bà Clinton và kêu gọi người Mỹ “thống nhất” sau cuộc bầu cử gây chia rẽ.
Chỉ số Dow Jones tương lai giảm mạnh hơn 800 điểm vào đêm 8-11 (giờ địa phương) nhưng đến sáng sớm ngày hôm sau đã tăng điểm trở lại. Mức giảm chỉ còn ở mức 1,2% (220 điểm) so với thời điểm nói trên. Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2, dừng ở 2,77% (tăng 14 điểm cơ bản). Lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng 1,873%.
Thị trường chứng khoán châu Âu không nằm ngoài quá trình phục hồi hôm 9-11 (giờ địa phương). Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng nhẹ 0,3% lên mức 1 bảng Anh đổi 1,24 USD.
Trong những tuần tới, các nhà đầu tư sẽ quan sát quá trình chuyển giao quyền lực để xem ông Trump có hành động gì khiến người Mỹ thêm chia rẽ và làm các nhà đầu tư lo lắng hơn hay không.
Một tác động tức thì từ chiến thắng của ông Trump là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể không tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12, đặc biệt là nếu thị trường tài chính chịu áp lực kéo dài. Một số nhà phân tích cho rằng một bước đi như thế của FED có thể trấn an các nhà đầu tư.
Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, cùng với tác động của mối quan hệ này lên khắp châu Á, đang được quan tâm. Chiến thắng của ông Trump làm dấy lên lo ngại Mỹ và Trung Quốc có thể khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại, dẫn đến sự gia tăng của bảo hộ mậu dịch trên thế giới.
Những nỗi lo nói trên đã đè nặng lên chứng khoán châu Á hôm 9-11. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 5,4% xuống còn 16.251,54 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,2% xuống còn 22.415,19 điểm trong khi chỉ số chính tại Thượng Hải - Trung Quốc giảm 0,6% xuống còn 3.128,77 điểm.
Bình luận (0)