Giáo sư Michel Brunet thuộc Đại học Poitiers (Pháp) - trưởng nhóm - bị kích động mạnh trước kết quả tìm kiếm bất ngờ này. Ông nói: “Từ 25 năm nay tôi đi tìm vật này. Tôi tin rằng thế nào tôi cũng tìm thấy”. Cái ông tìm thấy là xương sọ gần như đầy đủ của một nhánh con người, một mắt xích quan trọng mà các nhà khảo cổ lâu nay tìm kiếm giữa khỉ và con người. Vật phát hiện được đặt tên là Toumai, theo tiếng Goran của châu Phi, có nghĩa là “Hy vọng sống” còn tên khoa học đầy đủ của nó là Sahelanthropus Tchadensis. Đây có thể là ông (hoặc bà) tổ trực hệ của nhân loại. Henry Gee, biên tập viên cao cấp của tạp chí khoa học Nature, nói: “Toumai chắc chắn là phát hiện quan trọng nhất, có thể vượt qua phát hiện “người-khỉ” đầu tiên cách đây 77 năm. Lúc đó, phát hiện này đặt nền móng cho khoa cổ sinh nhân loại học (tạm dịch từ Palaeoanthropology)”.
Ý nghĩa của Toumai trước hết là mẩu vật giống con người có tuổi thọ cao nhất, vượt xa tính toán trước đây. Kế đó, nó lý thú ở chỗ hộp não giống khỉ nhưng nét mặt ngắn giống con người. Đặc biệt hàm răng, nhất là răng nanh, nhỏ nhắn như con người. Toumai cũng có xương trán giống con người. Những chi tiết này cho thấy có thể đây là một nhánh trực hệ với người hiện đại hơn các cổ vật “người khỉ” tìm thấy ở châu Phi trước đây có niên đại từ 2 đến 5 triệu năm. Địa điểm phát hiện Toumai cũng có nhiều ý nghĩa bởi nó cách xa nơi tìm thấy những cổ vật trước đây cả ngàn km. Cũng từ Toumai, người ta đưa ra giả thiết sự tiến hóa của loài người từ vượn có nhiều nhánh chớ không phải một nhánh duy nhất và có nhiều nhánh đã biến mất.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về phát hiện mới Toumai. Ví dụ, câu hỏi then chốt là người Toumai đi hai chân hay bốn chân, có đứng thẳng được không? Giáo sư Michel Brunet nhận xét: “Chúng tôi chưa tìm thấy bộ xương chân nhưng theo vị trí xương sống tiếp giáp với cái đầu thì chưa thể khẳng định Toumai đi hai chân nhưng khả năng này cũng không bị loại trừ”. Tóm lại, cần phải tìm hiểu sâu hơn nữa nhưng các nhà khoa học rất phấn khởi. Daniel Lieberman, thuộc Trường Đại học Harvard, cho rằng tác động của việc phát hiện ra Toumai không khác gì tác động của “một quả bom nguyên tử nhỏ”.
Chris Stringer, thuộc Nhà Bảo tàng lịch sử tự nhiên London (Anh), hứa hẹn: “Rồi đây sẽ có thêm những cú sốc và ngạc nhiên khi những cuộc nghiên cứu mới về Toumai cho ra kết quả”.
Bình luận (0)