Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch ASEAN 2019, chủ trì tại Bangkok sáng 23-6.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN: Bangkok là nơi ký Tuyên bố khai sinh ASEAN, một hiệp hội khiêm tốn với 5 thành viên ban đầu để dần phát triển thành một cộng đồng 10 nước thành viên sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác với người dân ở vị trí trung tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thực hiện nghi thức khai trương Kho vệ tinh ASEAN tại lễ khai mạc Ảnh: TTXVN
Theo TTXVN, trong suốt quá trình phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một nhân tố quan trọng chủ yếu giúp các nước thành viên phục hồi nhanh chóng, vượt qua nhiều thách thức như khủng hoảng tài chính, thiên tai, bão lũ..., để đến hôm nay ASEAN là khu vực hòa bình, không có xung đột, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời một ASEAN vững mạnh và đoàn kết là nhân tố chủ đạo trong ổn định và phát triển ở khu vực.
Với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững", ASEAN thể hiện ước mơ tiến tới một cộng đồng bền vững trên cả 3 trụ cột, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau; duy trì hòa bình, ổn định và hướng tới tương lai; tranh thủ các cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng xanh; tăng cường quan hệ với các đối tác nhằm phát triển bền vững và giành vị thế toàn cầu cao hơn cho ASEAN; thúc đẩy kết nối trong mọi lĩnh vực, tiến tới một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN). Thông điệp chính gửi đi là mong ước xây dựng một ASEAN bền vững mọi mặt từ an ninh, kinh tế, an ninh con người...
Phát biểu tại phiên họp hẹp sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để duy trì sự gắn kết bền vững, "chúng ta cần thẳng thắn, chân thành". Chân thành giúp đem lại niềm tin, tình cảm gắn bó, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển và cùng xây dựng cộng đồng vững mạnh. ASEAN vốn là một mẫu hình về sự "thống nhất trong đa dạng" và khi tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, cũng cần tránh làm phương hại đến lợi ích và tình cảm của nhau mà tất cả hãy đoàn kết, nỗ lực vì lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN.
Đề cập vấn đề biển Đông, huyết mạch giao thông hàng đầu của thế giới, liên quan lợi ích rất nhiều quốc gia, Thủ tướng cho rằng thời gian qua, đã có những nỗ lực, tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc và hướng tới sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, bền vững và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trên thực địa vẫn rất phức tạp (bồi đắp các thực thể, quân sự hóa, va chạm, đâm chìm tàu của ngư dân…), các bên cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa thẳng thắn, trách nhiệm đối với những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổn định.
Thủ tướng nhấn mạnh "hòa bình và ổn định, đoàn kết, thống nhất và hợp tác phát triển là những giá trị mà chúng ta đã phải hy sinh không ít để có được". Cộng đồng ASEAN có phát triển bền vững hay không phụ thuộc phần lớn vào đoàn kết, bản lĩnh và ý chí của các nước thành viên.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Năm Văn hóa ASEAN 2019; Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải biển ở khu vực ASEAN.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Thái Lan. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng mọi giá mà hoan nghênh các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Trong ngày 23-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen. Ba nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị, đoàn kết keo sơn giữa Việt Nam - Lào - Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ, tin cậy.
Bình luận (0)