Sau New York, làn sóng biểu tình đã bùng nổ ở khoảng 150 thành phố lớn: thủ đô Washington, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Boston, Atlanta, Miami, Denver, Kansas City... Khẩu hiệu “Chiếm phố Wall” nhanh chóng lan thành “Chiếm Washington DC”, “Chiếm Boston”, “Chiếm Los Angeles”, “Vùng lên Chicago” để thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
Cuộc biểu tình tại New York được sự đồng tình của đông đảo người dân thuộc các tầng lớp trong xã hội, từ thanh niên, sinh viên tới các Tổ chức Phụ nữ vì hòa bình, Liên đoàn Giáo viên, Nghiệp đoàn Công nhân. Tâm điểm của cuộc biểu tình là tại khu nhà giàu ở Manhattan của các tỉ phú: trùm truyền thông Rupert Murdoch, Giám đốc Tập đoàn Ngân hàng Morgan Chase, Janie Dimon; tỉ phú John Paulson. Người biểu tình hô vang: “Chúng tôi là 99% đối mặt với 1% là người giàu nhất!”, “Cả đất nước bị lòng tham áp chế!”. Theo AFP, người dân Mỹ ủng hộ tuyên bố của phong trào “Chiếm phố Wall”: “Chúng tôi chiếm 99% dân số, trong khi giới nhà giàu chỉ chiếm 1% nhưng lại đang nắm giữ 99% của cải của xã hội. Chúng tôi không thể cứ im lặng mãi mà phải hành động!”.
Phong trào “Chiếm phố Wall” đã khơi dậy ý chí phản kháng sự bất công của hàng triệu người Mỹ. Tạp chí Business Insider bình luận: “Không quá lời khi nói người dân Mỹ xuống đường biểu tình hưởng ứng chiến dịch “Chiếm phố Wall” là do họ có cảm giác bị chính phủ phản bội. Cảm giác bầu ra một chính quyền chỉ đặt lợi ích của những doanh nghiệp lớn và nhà giàu trước hết đã khiến người dân Mỹ cay đắng. Họ muốn đòi lại sự công bằng. Đó là lý do họ tấn công phố Wall, biểu tượng về sự bá quyền của tư bản tài chính Mỹ”.
Trong khi Đảng Cộng hòa Mỹ cáo buộc phong trào biểu tình là “sản phẩm của cuộc chiến giai cấp” phá hoại “giấc mơ Mỹ” thì Đảng Dân chủ công khai ủng hộ. Theo báo New York Post, ủy ban vận động của Đảng Dân chủ Mỹ đang thu thập 100.000 chữ ký ủng hộ phong trào “Chiếm phố Wall”. Lời kêu gọi của ủy ban này viết: “Người biểu tình đang xuống đường ở New York và khắp cả nước để cho các tỉ phú, các tập đoàn kinh doanh và ngân hàng lớn biết rằng chúng ta sẽ không để 1% là những người giàu nhất áp đặt các chính sách kinh tế làm hại những chương trình an sinh xã hội phục vụ lợi ích của tầng lớp bình dân”.
Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama phải thừa nhận sự phẫn nộ của người dân là chính đáng. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng khi công bố dự luật cải cách hệ thống ngân hàng, ông Obama nói: “Trước đây, tôi đã nói và bây giờ xin nhắc lại rằng chúng ta phải có một thể chế tài chính hữu hiệu để đất nước có thể phát triển lành mạnh”.
Báo chí Mỹ nhận xét phong trào xuống đường biểu tình hiện nay khiến người dân Mỹ nhớ lại làn sóng phản kháng thời chiến tranh Việt Nam trước đây. Lịch sử quả là lặp lại khi cuộc điều tra mới nhất của tạp chí Mỹ Time cho kết quả 54% người dân Mỹ ủng hộ phong trào xuống đường biểu tình, 37% người thừa nhận đã tham gia biểu tình.
Theo tổng hợp của hãng Reuters, làn sóng biểu tình khởi nguồn từ phong trào “Chiếm phố Wall” đã và đang lan sang London (Anh), Athens (Hy Lạp), Milan (Ý) và cả New Zealand, Úc nhằm mục đích cải cách thể chế tài chính, bảo đảm công bằng giàu nghèo.
Nhà kinh tế học Mỹ Paul Krugman từng đoạt giải Nobel Kinh tế nhận xét về làn sóng biểu tình ở Mỹ: “Chuyện gì đang xảy ra? Câu trả lời là các ông trùm ở phố Wall chắc chắn đã hiểu rằng không gì còn có thể bào chữa được cho họ nữa. Họ làm giàu bằng trò lươn lẹo tham lam, đẩy đất nước này vào khủng hoảng, gây tác hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người vô tội. Đến bao giờ họ mới phải trả giá?”.
Bình luận (0)