Đó là cảnh báo của ông Todd Mariano, chuyên gia tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC mới đây.
"Điều khá rõ lúc này là chúng ta đang hướng đến chương đen tối nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Hai nước đang có nhiều động thái hơn trên mặt trận công nghệ và xuất khẩu. Một dấu hiệu đáng quan ngại là hai nước đang hoặc chuẩn bị đối đầu trên nhiều lĩnh vực hơn" - ông Mariano nhận định.
Trong vài năm qua, tranh cãi giữa hai nước tập trung vào một số vấn đề như mất cân bằng thương mại và cạnh tranh công nghệ, từ đó dẫn đến chiến tranh thương mại đe dọa kinh tế toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo hôm 1-7 với hình ảnh 2 người Canada bị bắt giữ ở Trung Quốc ở phía sau. Ảnh: Reuters
Trong những tháng gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tục công kích nhau ở một số vấn đề khác như nguồn gốc của virus đại dịch Covid-19, sự tự trị của Hồng Kông...
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang ra sức mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại nhiều nơi, từ đó góp phần khiến căng thẳng với chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng thêm.
"Một cuộc xung đột quy mô rộng lớn như thế đang hạn chế khả năng hòa hoãn và tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng của các nhà hoạch định chính sách hai bên" - ông Mariano cảnh báo.
Không dừng lại ở đó, theo một số nhà phân tích, Tổng thống Trump có thể gia tăng những lời lẽ và hành động nhằm vào Trung Quốc để thu hút cử tri trong nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ tại biển Đông hôm 4-7. Ảnh: Hải quân Mỹ
Ông William Reinsch, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng nếu ông Trump tái đắc cử, lập trường của Washington với Bắc Kinh sẽ không có gì thay đổi, tức Mỹ tiếp tục chỉ trích, đe dọa và thậm chí là áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có lẽ muốn ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới hơn là đối thủ Joe Biden, theo ông Reinsch.
"Tôi đã hỏi một số doanh nhân Mỹ làm việc tại Trung Quốc và tất cả họ đều có cùng câu trả lời: Bắc Kinh thích ông Trump thắng cử hơn. Theo họ, người Trung Quốc nghĩ rằng thiệt hại mà ông Trump gây ra cho liên minh phương Tây nghiêm trọng hơn tổn thất mà ông gây ra cho Bắc Kinh" - ông Reinsch cho biết.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump đã góp phần khiến Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất rạn nứt. Ông Trump còn đe dọa tăng thuế quan đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) và hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn được một số đồng minh truyền thống hậu thuẫn, trong đó có Anh, Pháp và Đức.
Vào tháng rồi, ông chủ Nhà Trắng còn phê chuẩn kế hoạch rút khoảng 9.500 binh lính Mỹ khỏi Đức. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Trump phàn nàn Đức "lơ là" trong việc thanh toán nợ cho NATO.
"Ông Trump chọc giận các đồng minh của chúng ta, ông ấy đang mất dần bạn bè. Điều này giúp Trung Quốc có cơ hội tiếp cận châu Âu và các khu vực khác trên thế giới mà trước đây nước này không làm được" - ông Reinsch giải thích.
Bình luận (0)