Đài BBC hôm 14-10 cho biết một chiếc máy bay từ Nam Phi đã hạ cánh an toàn xuống sân bay trên đảo St Helena, qua đó chấm dứt sự phụ thuộc của vùng lãnh thổ thuộc Anh này vào dịch vụ vận chuyển bằng tàu thuyền.
Cụ thể, một chiếc Embraer E190-100IGW của hãng SA Airlink hạ cánh tại sân bay trên đảo St Helena, chở 78 hành khách. Chuyến bay kéo dài 6 giờ 15 phút tính cả thời gian quá cảnh thủ đô Windhoek - Namibia.
Thống đốc St Helena Lisa Phillips bày tỏ sự vui mừng vì chuyến bay trên đã viết nên chương mới trong lịch sử địa phương này.
Sân bay trên đảo St Helena thuộc Anh. Ảnh: PA
Với sự tài trợ của chính phủ Anh, dịch vụ hàng không được hy vọng sẽ giúp thúc đẩy du lịch và góp phần cho đảo St Helena "tự túc" trong nhiều vấn đề như thu nhập, chăm sóc sức khỏe...
Sân bay trên đảo St Helena mở cửa hồi năm ngoái nhưng tạm thời không đưa vào hoạt động do những cơn gió mạnh gây cản trở máy bay trong khu vực. Kinh phí xây dựng sân bay này vào khoảng 285 triệu bảng Anh (380 triệu USD), được Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Dfid) tài trợ.
Quá trình xây dựng sân bay gặp nhiều thách thức bởi hòn đảo không có đủ bề mặt phẳng để đáp ứng chiều dài sân bay 1,95 km cần thiết.
Một loạt cuộc thử nghiệm vào mùa hè này đã cho phép các chuyến bay thương mại giữa TP Johannesburg – Nam Phi và St Helena được triển khai.
Cho đến nay, St Helena được xem là hòn đảo khó tiếp cận nhất thế giới, chỉ có thể đón tàu thuyền từ Nam Phi cập cảng.
Đây là hòn đảo mà Hoàng đế Napoleon Bonaparte của Pháp bị lưu đày và qua đời sau thất bại trong trận chiến Waterloo năm 1815. Mỗi chuyến tàu từ Johannesburg đến St Helena thường kéo dài khoảng 6 ngày.
Đảo St Helena – diện tích 122 km vuông, nằm giữa châu Phi và Nam Mỹ - có 4.255 cư dân sinh sống. Mỗi năm, chính phủ Anh viện trợ cho hòn đảo này 52 triệu bảng Anh (gần 70 triệu USD).
Bình luận (0)