Theo hãng thông tấn SPA (Ả Rập Saudi), trong khuôn khổ chuyến công du thủ đô Riyadh kéo dài 3 ngày từ ngày 7-12 của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Ả Rập Saudi dự kiến ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 29,3 tỉ USD.
Trong chuyến thăm theo lời mời của Quốc vương Salman, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Ả Rập Saudi - Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - Trung Quốc.
Theo SPA, chuyến thăm nhằm củng cố mối quan hệ song phương, nâng cao quan hệ đối tác chiến lược và hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của hai nước nhằm phục vụ lợi ích chung.
Hai nước cũng sẽ ký thỏa thuận đối tác chiến lược và kế hoạch nhằm hiện thực hóa chương trình "Tầm nhìn 2030" của Ả Rập Saudi và đa dạng hóa dự án này với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra khi Trung Quốc đang tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các quốc gia ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng trong quan hệ với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.
Ả Rập Saudi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) và cũng là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thái tử Bin Salman của Ả Rập Saudi tại cuộc gặp ở Hàng Châu nhân Hội nghị G20 năm 2016 Ảnh: REUTERS
Ngoài năng lượng, các nhà phân tích cho rằng lãnh đạo hai nước dự kiến thảo luận về các thỏa thuận tiềm năng có thể giúp các công ty Trung Quốc tham gia sâu hơn vào những siêu dự án vốn là trọng tâm trong tầm nhìn của Thái tử Mohammed bin Salman về việc đa dạng hóa nền kinh tế Ả Rập Saudi, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.
Những dự án đó bao gồm siêu đô thị tương lai NEOM trị giá 500 tỉ USD, vốn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ giám sát và nhận diện khuôn mặt.
Ông Ali Shihabi, nhà phân tích người Ả Rập Saudi thân cận với chính phủ nước này, đánh giá chuyến thăm phản ánh mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước đã được vun đắp trong những năm gần đây.
Chuyến thăm cũng diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Ả Rập Saudi và Mỹ về các vấn đề từ chính sách năng lượng đến an ninh khu vực và nhân quyền.
Đòn giáng mới nhất lên mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước xảy ra vào tháng 10 khi liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, động thái khiến Mỹ phản đối gay gắt.
Trong cuộc họp hôm 4-12, OPEC+, do Ả Rập Saudi dẫn đầu, quyết định tiếp tục duy trì mức giảm nói trên đến cuối năm 2023. Trung Quốc mua khoảng 1/4 lượng dầu xuất khẩu của Ả Rập Saudi.
Ông Torbjorn Soltvedt tại Công ty Tư vấn chiến lược và rủi ro Verisk Maplecroft (Anh) nhận định: "Vấn đề dầu mỏ trong chương trình nghị sự lần này có thể sẽ được ưu tiên hơn so với chuyến thăm Ả Rập Saudi của Tổng thống Joe Biden trước đó".
Thị trường dầu mỏ biến động mạnh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2. Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua đã nhất trí áp giá trần lên dầu Nga là 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mức giá trần này sẽ ít gây tác động lập tức đến doanh thu từ dầu mỏ của Nga hiện tại. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng kế hoạch về việc áp giá trần đối với dầu Nga là nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong vài tháng qua.
Trong trường hợp Nga cắt giảm sản lượng thay vì bán dầu cho các quốc gia áp dụng giá trần, giá dầu có thể tăng và điều này sẽ gây khó khăn cho Mỹ và các đồng minh G7. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nói với đài CNBC hôm 6-12 rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch sẽ là động lực thúc đẩy giá dầu tăng cao hơn.
Giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch đầu tuần này sau khi Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, phát đi tín hiệu sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch.
Bình luận (0)